Thứ bảy, 14/09/2024 08:05 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải cụm công nghiệp

Duy Anh -  Thứ tư, 28/08/2024 09:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Do đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, nên hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn tồn tại nhiều bất cập.

Theo Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 32 CCN với tổng diện tích gần 690 ha. Đến nay, có 16 CCN được thành lập, giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích hơn 423 ha, đạt 61,45% tổng diện tích quy hoạch; giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 13.000 lao động.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN không chỉ giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất, đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn ra khu vực sản xuất tập trung, mà còn góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) trong khu dân cư.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, CCN trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư trạm xử lý nước thải, đảm bảo kết nối thu gom nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh về xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Quy định là vậy, song thực tế, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đối với chỉ tiêu đến năm 2025 có 100% CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh, thì đến hết năm 2023 mới chỉ đạt 11,1%.

Với đặc thù thu hút đa ngành nghề, khối lượng nước thải hỗn hợp đang phát sinh tại các CCN trong tỉnh từ 900 - 1.000 m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, chỉ có 4/16 CCN được thành lập và giao chủ đầu tư đã có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, gồm CCN làng nghề Tề Lỗ công suất 500 m3/ngày, đêm; CCN làng nghề Yên Đồng công suất 250 m3/ngày, đêm; CCN Hùng Vương - Phúc Thắng công suất 500 m3/ngày, đêm; CCN Đồng Sóc công suất 3.000 m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 2/4 CCN có hệ thống thu gom, xử lý nước thải còn hoạt động.

Như vậy, còn lại 12/16 CCN chưa hoàn thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn tỉnh vừa hỏng, vừa thiếu, vừa yếu, không những không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình, mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân nông thôn.

Nguyên nhân do nhiều CCN trong tỉnh được thành lập dựa trên việc quy hoạch các cơ sở hoạt động có sẵn nên chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về BVMT, trong đó có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

Nhiều CCN đã được lấp đầy từ lâu nên việc thu hút đầu tư hạ tầng gặp khó; cơ chế tài chính để tạo nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì cơ sở hạ tầng tại các CCN chưa có; diện tích quy hoạch dành cho các CCN nhỏ trong khi phải xây dựng trạm xử lý nước thải dẫn đến suất đầu tư hạ tầng lớn...

CCN làng nghề Tề Lỗ (Yên Lạc) với ngành nghề kinh doanh thu mua tái chế phế liệu nhựa, sắt thép, máy móc… đang thu hút hơn 350 hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Là một trong số ít những CCN đầu tư xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, trong đó trạm xử lý nước thải tập trung với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng, công suất 500 m3/ngày, đêm; công nghệ xử lý nước thải chủ yếu bằng phương pháp lắng lọc kết hợp sử dụng hóa chất công nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào vận hành, công trình này buộc phải ngừng hoạt động do hệ thống cùng lúc thu gom cả nước thải và nước mặt, quá trình này kéo theo nhiều bùn đất, dầu mỡ, gây tắc nghẽn đường ống, hỏng máy bơm hút. Từ đó đến nay, công trình này luôn ở trong tình trạng “cửa đóng, then cài”.

Đại diện Ban Quản lý CCN làng nghề Tề Lỗ cho biết: "Dù đã nỗ lực khắc phục bằng cách trồng thêm cây xanh, cải tạo nâng cấp hệ thống rãnh thoát nước thải; đề xuất dự án cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước thải, nhưng đến nay, công trình vẫn tạm dừng hoạt động.

Trước mắt, ban tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nâng cao ý thức BVMT, quản lý chặt chẽ nước thải, rác thải trong quá trình các hộ, doanh nghiệp sinh hoạt, sản xuất; khuyến khích người dân tự đầu tư các bể thu gom, lắng lọc nước thải, dầu mỡ, hạn chế thấp nhất việc xả thải ra môi trường".

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh sẽ có 46 CCN đến năm 2030 và phát triển thêm 5 CCN sau năm 2050, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong các CCN, kiên quyết không cho phép các dự án chưa đảm bảo điều kiện về môi trường đi vào hoạt động; thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các CCN, nhất là các hạng mục công trình BVMT để phòng ngừa sự cố tại khu vực sản xuất công nghiệp.

Tiếp tục xây dựng ban hành chính sách thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các CCN, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN áp dụng công nghệ xử lý bằng sinh học đối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải như công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn, công nghệ xử lý theo mẻ; công nghệ lọc sinh học, công nghệ mương ôxy hóa… nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cột A theo QCVN 14:2015/BTNMT về nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường.

Từ đó khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo điều kiện cho các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo đòn bẩy trong thu hút nguồn lực cho địa phương.

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải cụm công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Những bệnh thường gặp sau mùa mưa lũ
Mưa lũ đã đến với nhiều tỉnh thành trên cả nước làm dấy lên mối lo ngại về các nguy cơ dịch bệnh, khiên môi trường sống của hàng triệu người dân bị xáo trộn nghiêm trọng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.