Chủ nhật, 08/09/2024 07:41 (GMT+7)

Trồng rừng gỗ lớn, lợi ích lâu dài

MTĐT -  Thứ hai, 24/06/2024 07:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững…

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 Bắc Giang có ít nhất 20% diện tích rừng thâm canh gỗ lớn, tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp cũng như chính sách hỗ trợ.

Hiệu quả nhiều mặt

Năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Đồng thời, cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 26). Cụ thể, đối với cây trồng sinh trưởng nhanh, Nhà nước sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/ha; cây trồng sinh trưởng chậm, hỗ trợ 55 triệu đồng/ha.

Trồng rừng gỗ lớn, lợi ích lâu dài
Rừng keo gỗ lớn của Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế.

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế là doanh nghiệp (DN) tiên phong trồng và phát triển rừng gỗ lớn suốt nhiều năm qua. Đây cũng là mô hình tiêu biểu được nhiều địa phương trong nước đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Hiện Công ty quy hoạch ổn định 600 ha rừng gỗ lớn, mỗi năm cho khai thác khoảng 50 ha với đa dạng cây trồng như: Keo, bạch đàn, gù hương, dổi…

Ông Hoàng Văn Chúc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế đánh giá: Chu kỳ trồng rừng gỗ lớn tuy kéo dài hơn, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần rừng gỗ nhỏ. Với rừng keo gỗ nhỏ từ 6-7 năm, sản lượng chỉ có thể đạt từ 100 - 150 m3/ha, nhưng nếu kéo dài chu kỳ lên 12-13 năm có thể đạt tối đa 300 m3/ha; thực tế tại nhiều lô rừng của công ty đã đạt mức này.

Bên cạnh đó, nếu gỗ nhỏ chủ yếu phục vụ mục đích băm dăm, bóc ván và bán được khoảng 1,2 triệu đồng/m3 (thời điểm hiện tại) thì gỗ lớn có thể lên đến 3,5- 4 triệu đồng/m3 phục vụ cho sản xuất đồ nội thất. “Bình quân mỗi ha rừng gỗ lớn, công ty thu về từ 250-270 triệu đồng, trong khi gỗ nhỏ cao nhất chỉ được 150 triệu đồng. Mặt khác, việc trồng rừng gỗ nhỏ còn tốn chi phí tái đầu tư như giống, công trồng và chăm sóc ban đầu (ít nhất 50 triệu đồng/ha)”, ông Chúc phân tích.

Ngoài mang lại hiệu quả như trên, từ năm 2024, thực hiện Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trồng rừng gỗ lớn sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, qua đó mở ra triển vọng lớn để phát triển loại rừng này. Năm nay, gia đình ông Đặng Hồng Cường, thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam) vừa hoàn thành trồng 10 ha thông để phát triển thành rừng gỗ lớn. Theo quy định, gia đình ông sẽ được Nhà nước hỗ trợ 550 triệu đồng/chu kỳ 15 năm. Đến nay, các bước hoàn thiện thủ tục để nhận hỗ trợ đang được cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn thực hiện.

Ông Cường cho biết: “Cây thông đến năm thứ 10 có thể cho thu hoạch nhựa và sau 15 năm thì thu hoạch gỗ nên thích hợp cho phát triển rừng gỗ lớn. Ngoài những kỹ thuật cơ bản, trồng rừng gỗ lớn cần quan tâm đến mật độ, khoảng cách thưa hơn. Trước đây, tôi từng tham gia trồng thông cho một dự án phi chính phủ trên địa bàn nên đã có kinh nghiệm, nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ, gia đình rất phấn khởi”.

Tích cực mở rộng diện tích

Để được hỗ trợ khi trồng rừng gỗ lớn, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cần đáp ứng một số điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định giao rừng của cấp có thẩm quyền; có hồ sơ thiết kế - dự toán trồng rừng gỗ lớn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trồng rừng gỗ lớn, lợi ích lâu dài
Một gốc keo 15 năm tuổi.

Ngoài ra, yêu cầu diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt từ 10 ha trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh (keo) và 5 ha trở lên đối với cây sinh trưởng chậm (dổi, sồi phảng, gù hương, trám trắng, lát hoa, mỡ, xoan đào, chò nâu, chò chỉ, lim xanh, táu, sưa trắng, xoan nhừ, re, sao đen, xoan ta, dẻ, lát Mexico, thông Caribe, thông nhựa, thông mã vĩ, gáo trắng, trám đen, vối thuốc, thông ba lá, thanh thất, đàn hương). Thời gian tối thiểu khai thác rừng là 10 năm đối với loài cây sinh trưởng nhanh, 15 năm đối với loài sinh trưởng chậm, tính từ thời điểm trồng.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 537 ha/1.619 ha (đạt 33,2% kế hoạch) và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 348,4 ha/2.802 ha (đạt 12,4% kế hoạch). Các địa phương trồng và chuyển hóa được nhiều rừng gỗ lớn như: Lục Ngạn (305,8 ha), Lục Nam (166,7 ha), Sơn Động (295,9 ha), Yên Thế (115,9 ha)...

Theo Kế hoạch số 64 ngày 27/11/2023 của UBND tỉnh, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 có từ 16 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn trở lên, tương đương với 20% tổng diện tích rừng trồng tập trung của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 537 ha, đạt 33,2% kế hoạch năm và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 348,4 ha, đạt 12,4% kế hoạch năm. Các địa phương trồng và chuyển hóa được nhiều rừng gỗ lớn như: Lục Ngạn (305,8 ha), Lục Nam (166,7 ha), Sơn Động (295,9 ha), Yên Thế (115,9 ha)...

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để hoàn thành kế hoạch, từ cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn và diện tích rừng trồng đã có theo loài cây, tuổi cây, loại đất để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn do nhiều hộ trồng rừng có diện tích nhỏ không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ; việc duy trì chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài khiến người dân khó quay vòng vốn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến sâu đối với nguyên liệu gỗ lớn nên thị trường tiêu thụ chủ yếu ở tỉnh ngoài, chỉ một phần nhỏ cung cấp cho cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất trong tỉnh. Do đó, việc thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ lớn trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm hơn trong thời gian tới.

Chi cục Kiểm lâm đang tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về hiệu quả của trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Hằng tháng đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, tích cực hỗ trợ các tập thể, cá nhân, hộ gia đình hoàn thành thủ tục để được nhận hỗ trợ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hậu, bên cạnh lợi ích kinh tế, việc mở rộng diện tích rừng gỗ lớn còn đem lại hiệu quả về môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến đất đai, không khí. Trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán được hơn 10 triệu tấn CO2, thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng và mở ra cơ hội lớn, động lực cho Bắc Giang có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết Trồng rừng gỗ lớn, lợi ích lâu dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Nguyễn Hưởng/Báo BG

Cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Điểm sáng trong công tác trồng rừng
Tỉnh Bắc Kạn đã và đang làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó nhiệm vụ trồng rừng luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng và phòng, chống thiên tai.
Báo động nguồn nước sạch thế giới đang cạn dần
Trong cảnh báo được đưa ra, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hồ, sông và tầng chứa nước đang bị suy thoái ở một nửa số quốc gia trên khắp thế giới. Tình trạng này đe dọa sức khỏe, sinh kế của hàng tỷ người và dự kiến, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.

Tin mới

Kịp thời hỗ trợ người lao động trong mưa bão
Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái) đã rà soát và hỗ trợ nhiều công nhân xây dựng trong KCN nơi ăn và chỗ ở kiến cố, an toàn trong thời điểm bão số 3 đổ bộ vào đất liền.