Thứ ba, 02/07/2024 01:34 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/5/2024

MTĐT -  Thứ sáu, 24/05/2024 16:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/5/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 24/5/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tổ chức lễ phát động trồng cây năm 2024

Dự lễ phát động có ông Uông Quang Huy, Phó Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Phát điện 1; ông Lê Hải Đăng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện; ông Trần Doãn Thành, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Phát điện 1; ông Lê Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực Miền Nam. Tham dự lễ phát động còn có lãnh đạo Công đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1, các đơn vị thuộc Tổng công ty Phát điện 1 và Đảng ủy, UBND xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải. Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải có Ban Giám đốc; Quản lý các phòng, phân xưởng; Ban Chấp hành Công đoàn; Đoàn thanh niên và cán bộ công nhân viên, người lao động các phòng, phân xưởng Công ty.

tm-img-alt

Phát biểu phát động tại buổi lễ trồng cây, Giám đốc Công ty Ngô Văn Sỹ cho biết: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây”, cũng như góp phần thực hiện kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, phong trào trồng cây là một trong những hoạt động thường niên, được Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tích cực hưởng ứng. Tính đến nay, Công ty đã tổ chức trồng và chăm sóc trên 13.500 cây xanh các loại, với quyết tâm xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải là một trung tâm phát điện vừa đảm bảo nhiệm vụ an ninh năng lượng cho quốc gia, vừa là một trung tâm điển hình cho ngành điện về tiêu chí công trình xanh - sạch - đẹp.

Ông Ngô Văn Sỹ chia sẻ: Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), hôm nay Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tổ chức lễ phát động phong trào trồng cây tại khu QLVH Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng. Hình ảnh, khí thế của buổi lễ ra quân hôm nay với sự tham gia của các quý vị đại biểu và hơn 300 cây xanh các loại được trồng sẽ tiếp tục đóng góp cho phong trào trồng cây, phát triển mảng xanh cho cán bộ công nhân viên Công ty Nhiệt điện Duyên Hải trong năm 2024.

Bên cạnh đó, ông cũng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ của Công đoàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1, Công đoàn Tổng công ty Phát điện 1, Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam và các đơn vị trong Tổng công ty trong việc huy động đóng góp trồng cây trong dịp này và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian tới.

Phát biểu hưởng ứng buổi lễ Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát điện 1 Nguyễn Tiến Khoa khẳng định: Trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Tổng công ty Phát điện 1/Công ty Nhiệt điện Duyên Hải luôn coi công tác bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của đơn vị. Việc trồng cây góp phần quan trọng trong việc phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên.

Để góp phần đưa việc trồng cây xanh trở thành một nét đẹp truyền thống, tạo thành phong trào thi đua, Chủ tịch HĐTV EVNGENCO1 kêu gọi toàn thể CBCNV, NLĐ Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cùng hưởng ứng và cam kết: Chủ động trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái tại Công ty.

Từ ý nghĩa to lớn của lễ phát động trồng cây, Chủ tịch HĐTV EVNGENCO1 nhấn mạnh: Tùy theo khả năng và điều kiện của đơn vị, cần chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái; trồng cây phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ; xác định trồng cây nào, phát triển tốt cây đó. Mỗi CBCNV, NLĐ cần có những hành động thiết thực, tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ, trồng cây xanh để xây dựng phát triển bền vững cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Công đoànEVNGENCO1 Trần Doãn Thành đã bày tỏ niềm vui mừng khi thay mặt Ban chấp hành Công đoàn Tổng công ty tham dự lễ phát động trồng cây do Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tổ chức. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, thông qua hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây xanh nhằm tạo được phong trào mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của CBNCV, NLĐ trong toàn Công ty về vai trò, tác dụng, giá trị của việc trồng cây xanh gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, cân bằng hệ sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ lễ phát động, các đại biểu cùng CBCNV, NLĐ, đoàn viên, thanh niên Công ty đã tham gia trồng hơn 300 cây xanh các loại tại QLVH Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, góp phần tạo diện mạo mới khang trang, xanh sạch đẹp cho khu nhà, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, góp phần làm giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thông qua hoạt động ý nghĩa này, một lần nữa Công ty Nhiệt điện Duyên Hải khẳng định mục đích, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây. Qua đó tạo sự lan tỏa sâu rộng đến CBCNV, NLĐ về vai trò, lợi ích lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ môi trường sống. Đồng thời, tạo điểm nhấn cảnh quan xanh mát, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng Công ty phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm môi trường làm việc ngày một xanh, sạch, đẹp, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Yên Mô (Ninh Bình) phát động phong trào bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn

Sáng 24/5, tại thị trấn Yên Thịnh, UBND huyện Yên Mô phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức chương trình phát động phong trào bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024.

tm-img-alt
Các đại biểu và người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường tại thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô

Bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân nông thôn một cách bền vững theo hướng xanh, sạch, đẹp mà còn giúp mỗi người dân nhận thức đúng vai trò của mình đối với môi trường sống, từ đó có trách nhiệm, trân trọng và thêm yêu môi trường sống nông thôn.

Ngay từ đầu năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Mô đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của hoạt động bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn đến nhân dân trên địa bàn huyện. Tổ chức lễ phát động trồng cây với sự hưởng ứng của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong huyện, tính riêng trong quý I, toàn huyện đã trồng 8.500 cây xanh trên các tuyến đường giao thông, công sở, trường học, doanh nghiệp.... Trồng thêm 51 km đường hoa, vẽ trên 200 tranh bích họạ, tranh cổ động để tạo cảnh quan nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn.

Mặt khác, huyện xác định, phân loại rác thải tại nguồn là việc rất quan trọng để giảm gánh nặng cho môi trường khi những đồ nhựa, túi nilon phải mất vài chục năm mới phân hủy được. Năm 2024, huyện Yên Mô dành gần 2 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ môi trường, riêng hỗ trợ thực hiện phân loại rác thải gần 400 triệu đồng. Hiện tỷ lệ hộ dân làm tốt phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đạt 58,8%. Song song với đó, huyện đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Triển khai tháng cao điểm tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và môi trường chăn nuôi trong tháng 5.

Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra môi trường chăn nuôi của các trang trại, gia trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đặt thêm thùng chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các khu vực sản xuất.

Ngay sau lễ phát động, các đại biểu và bà con nhân dân đã tổ chức quét dọn, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên trụ sở UBND thị trấn Yên Thịnh và trục đường quanh khu vực UBND thị trấn.

Quảng Ngãi: Nước lũ làm sập cầu tạm, một công nhân mất tích

Nạn nhân được xác định là anh Trần Đức Thắng, 21 tuổi, trú xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

tm-img-alt
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Tại hiện trường, Ban chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn phối hợp cùng lực lượng công binh (đang làm nhiệm vụ trên địa bàn xã Bình Minh) cùng các đơn vị chức năng tăng cường tìm kiếm nạn nhân mất tích này. Trước đó, lúc 19h30 ngày 23/5, anh Trần Đức Thắng (21 tuổi, quê ở xã Hương Trạch, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang đi bộ cùng anh Nguyễn Thành Duy (ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) theo hướng từ xã Bình Minh, huyện Bình Sơn qua xã Bình Mỹ. Khi đang đi trên cầu tạm thuộc xã Bình Minh thì gặp sự cố sạt lở đất làm sập cầu, anh Thắng bị nước lũ cuốn trôi mất tích trên sông Trà Bồng. Nhận được thông tin, lực lượng chức năng huyện Bình Sơn phối hợp với người dân xã Bình Minh tổ chức tìm kiếm nạn nhân. Đến 9h sáng nay, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy anh Thắng. Theo cơ quan chức năng, anh Thắng là công nhân thi công cầu Thạch An.

Kết luận ban đầu nguyên nhân làm cả trăm tấn tôm hùm, cá chết ở Phú Yên

Ngày 24/5, nguồn tin của PLO cho biết Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Viện 3, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), đã có báo cáo nhanh về tình hình tôm hùm, cá biển nuôi lồng chết tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Theo đó, ngày 22/5, đoàn công tác Viện 3 đến thôn Vịnh Hoà và Phủ Dương, thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu để khảo sát, đo đạc hiện trường và thu mẫu ở các vùng nuôi tôm hùm, cá biển tại đầm Cù Mông.

Kết quả cho thấy vùng nuôi tôm hùm, cá biển bị chết có cửa vịnh thông ra biển hẹp (cửa đầm Cù Mông), số lượng lồng nuôi lớn (khoảng hơn 11.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển các loại).

Mật độ, số lượng lồng nuôi quá dày, làm cho khả năng lưu thông nước kém; lồng đặt tại vùng nuôi có độ sâu thấp so với qui định (≥ 6 m khi nước ròng).

Khảo sát cũng cho thấy nền bùn đáy có mùi hôi thối và có cả hiện tượng chình biển, cá biển các loại ngoài tự nhiên cũng bị chết trong vùng khảo sát.

Kết quả đo đạc các thông số hiện trường cho kết quả là hàm lượng ôxy hoà tan (DO) chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm, cá biển tại thời điểm khảo sát. Nhiệt độ nước đo được cũng cao hơn so với cùng kỳ tháng 5-2022.

tm-img-alt
Người dân bần thần khi tôm chết hàng loạt, nguy cơ lâm vào nợ nần. Ảnh: CL

Từ kết quả trên, Viện 3 kiến nghị chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích; thu hoạch số tôm hùm, cá biển đã đạt kích cỡ thương phẩm; đưa các lồng không còn tôm hùm, cá biển nuôi lên khỏi mặt nước nhằm tăng khả năng lưu thông của nước khi nước lớn, nước ròng,

Cạnh đó cần nâng lồng nuôi lên gần mặt nước, che mát lồng nuôi, đồng thời chủ động chuẩn bị máy sục khí, bình ôxy hạt ôxy phòng khi tôm hùm, cá biển nuôi bị ngộp do ôxy thấp cục bộ; làm vệ sinh, thu gom tôm, cá chết ngoài tự nhiên, rác thải, thức ăn dư thừa đưa lên khỏi thuỷ vực vùng nuôi.

Cùng ngày, UBND thị xã Sông Cầu cho biết đã có báo cáo về thiệt hại của người dân trên địa bàn do tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết.

Theo UBND thị xã Sông Cầu, đến chiều 23/5, trên địa bàn có bốn xã xảy ra hiện tượng tôm hùm, cá biển nuôi lồng bị chết gồm Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Đài và Xuân Thành, với số lượng 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá. Tổng thiệt hại ước tính hơn 38,4 tỉ đồng.

Xã Xuân Thịnh bị thiệt hại nặng nhất với 192 hộ, trong đó số lượng tôm bị chết hơn 64 tấn, còn cá gần 40 tấn.

Việt Nam kêu gọi thúc đẩy hợp tác, bảo vệ bền vững nguồn nước xuyên biên giới

Việt Nam ngày 23/5 đã phối hợp với Slovenia, Thụy Sỹ và một vài nước thành viên Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đồng tổ chức Sự kiện về “Ngăn ngừa tấn công nguồn nước trong xung đột vũ trang và tăng cường bảo vệ thường dân” trong khuôn khổ Tuần lễ bảo vệ thường dân Liên Hợp quốc.

Tại Phiên thảo luận, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế đã đánh giá về thực trạng các cơ sở hạ tầng về nước bị tấn công trong xung đột vũ trang, đe dọa đến sự sống và hoạt động của người dân trong khu vực xung đột, cũng như chia sẻ về các thực tiễn tốt và các biện pháp để tăng cường tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa các bên tấn công nguồn nước và bảo vệ thường dân.

Nhiều đại diện đánh giá cao tầm quan trọng của Nghị quyết 2573 do Việt Nam giới thiệu, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc 2020 - 2021 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân trong việc bảo vệ hệ thống và cơ sở hạ tầng nước.

tm-img-alt
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: VOV

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc phát biểu, nhấn mạnh nguồn nước là một trong các yếu tố thiết yếu nhất cho sự sống và đóng vai trò quan trọng cho sinh kế và phát triển của người dân.

Tình trạng phá hủy các dịch vụ và cơ sở hạ tầng về nước; hạn chế tiếp cận với nước sạch trong xung đột đã gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của những người dân vô tội. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm và thiếu hụt nước còn làm trầm trọng hơn mất an ninh lương thực, tình trạng y tế và buộc người dân phải rời khỏi nơi ở.

Qua đó, Việt Nam đề xuất một số biện pháp để tăng cường bảo vệ nguồn nước trong xung đột vũ trang. Trước hết, giải quyết gốc rễ của xung đột là cách tốt nhất để bảo vệ thường dân và nguồn nước, với vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an. Nghị quyết 2573 do Việt Nam giới thiệu là một trong các sáng kiến quan trọng trong vấn đề này và việc thực hiện cần phải được tăng cường.

Thứ hai, tất cả các bên trong xung đột vũ trang cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế và phải chịu trách nhiệm với các hành động tấn công nguồn nước và cơ sở hạ tầng nước.

Thứ ba, tăng cường hợp tác về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới cần được ưu tiên để đảm bảo quản lý hiệu quả và công bằng các nguồn nước chung, duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển bền vững, ngăn ngừa xung đột.

Các cơ chế của Liên Hợp quốc và cơ chế khu vực đóng vai trò thiết yếu trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước vì phát triển và thịnh vượng chung.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/5/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Xây dựng, phát triển các khu xử lý chất thải
Là một tỉnh có nhiều KCN tập trung, hàng trăm làng nghề truyền thống, Bắc Ninh chú trọng việc xây dựng, phát triển các khu xử lý chất thải. Điều này được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới