Thứ năm, 04/07/2024 02:29 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/5/2024

MTĐT -  Thứ tư, 15/05/2024 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/5/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 15/5/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường

Đến dự và chủ trì buổi Lễ khánh thành có các đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Võ Tuấn Nhân, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT. Tham dự buổi Lễ khánh thành có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và 10 Sở TN&MT các địa phương cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

tm-img-alt
Các đại biểu chúc mừng Lễ Khánh thành của Trung tâm

Trung tâm Tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và Điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia (Trung tâm) do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT) quản lý và vận hành; có địa chỉ tại số 79 Văn Tiến Dũng, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được xây dựng đáp ứng chủ trương chuyển đổi số của ngành Tài nguyên và Môi trường, góp phần phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử.

tm-img-alt
Các đại biểu tham quan trung tâm

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành bày tỏ sự vui mừng được cùng Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và đại diện các bộ, ngành địa phương dự Lễ khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia.

Thứ trưởng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã giao Bộ TN&MT xây dựng và quản lý dư liệu thông tin về TN&MT nói chung và xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường nói riêng. Theo đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng là tích hợp, xử lý thông tin dữ liệu môi trường từ trung ương tới địa phương, nhằm thực hiện công bố thông tin về chất lượng môi trường quốc gia. Việc xây dựng và vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trọng việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Nhằm phát huy hiệu quả của Trung tâm tích hợp xử lý dữ liệu và điều hành quan trắc môi trường quốc gia, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ và triển khai một số nhiệm vụ chính như sau:

Tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ xử lý thông tin quan trắc môi trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, vận hành hệ thống; đáp ứng kịp thời cho công bố công khai thông tin về chất lượng môi trường;

Rà soát đôn đốc chủ các dự án, cơ sở, khu kinh doanh, sản xuất dịch vụ tập trung; khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động theo quy định, hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2024.

Giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phát triển, mở rộng hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc môi trường, hệ thống công bố thông tin công khai dữ liệu môi trường có tính đến các nền tảng kỹ thuật số, nhằm phuc vụ công tác cảnh báo, dự báo về ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.

Dự báo Hà Nội có mưa dông, đề phòng lốc, sét, mưa đá

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu gây mưa đang hoạt động cục bộ trên khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai. Các vùng mây đối lưu này có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang phía đông và đông bắc.

Trong khoảng từ nay đến 3 giờ tới khu vực các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Hai Bà Trưng sẽ có mưa, mưa rào và có thể có dông. Vùng mưa dông còn có khả năng lan sang quận, huyện khác của thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, chiều và tối nay, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm.

Ngày mai (16/5), mưa dông sẽ lan tới các tỉnh Bắc Trung Bộ. Từ 17/5, mưa dông ở Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng duy trì (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, theo thông tin trên báo VOV, Văn phòng Thường trực Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa có Công văn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nội dung công văn đề nghị, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố vừa nêu theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).

Lào Cai thành lập Tổ công tác đánh giá, rà soát, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tổ công tác gồm 15 thành viên; Bà Nguyễn Thị Vi Huế - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai là Tổ trưởng và ông Vũ Lân - Phó Giám đốc Sở Tài chính Lào Cai là Tổ phó. Thành viên là lãnh đạo các cơ quan: Sở KH&ĐT, Sở KH&CN; UBND các huyện: Mường Khương, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Yên, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai...

Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai cũng thành lập Tổ giúp việc gồm 15 thành viên là Phó Trưởng phòng, Phó Chi cục trưởng, chuyên viên các phòng, chi cục trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh; phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố.

tm-img-alt
Lào Cai thành lập Tổ rà soát, đánh giá xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh.

Tổ công tác có nhiệm vụ tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng kết quả triển khai công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiệu quả hoạt động của Lò đốt rác tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa; tham mưu đề xuất UBND tỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2024. Tổ giúp việc có nhiệm vụ giúp việc cho Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện rà soát và tham mưu đề xuất theo chức năng nhiệm vụ và sự phân công của Tổ trưởng. Kinh phí chi cho hoạt động của Tổ công tác được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Tổ công tác, được sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác. Thành viên của Tổ công tác có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu, cơ sở vật chất của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ.

Yên Bái tăng cường giải pháp quản lý tài nguyên khoáng sản

tm-img-alt
Hoạt động khai thác đá tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam trên địa bàn huyện Lục Yên

Thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả thân thiện với môi trường, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về khai thác, sử dụng khoáng sản được tăng cường thực hiện với nội dung, hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp từ thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đến cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 109 mỏ được cấp giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh còn hiệu lực của 78 tổ chức doanh nghiệp. Cụ thể, đá làm vật liệu xây dựng thông thường 23 mỏ, than 02 mỏ, quặng đồng 02 mỏ, quặng sắt 11 mỏ, chì kẽm 06 mỏ, felaspat 02 mỏ, đất hiếm 01 mỏ, đá vôi trắng 35 mỏ, thạch anh 02 mỏ, graphit 01 mỏ…

Những năm qua, cơ cấu nội ngành khai thác, chế biến khoáng sản đã có bước chuyển tích cực sang đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiệm tài nguyên. Hầu hết doanh nghiệp khai thác mỏ đã đầu tư nhà máy chế biến hoặc nhà máy tuyển làm giàu quặng. Chuyển dịch nội ngành tích cực góp phần giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh đã thu hút được 22 dự án khai thác, chế biến với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng; điền hình về quy mô như Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nghiền thạch anh Thanh Sơn, công suất 93.600 tấn/năm của Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến khoáng sản Thanh Sơn.

Công tác thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các nhiệm vụ khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản; quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cũng như việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản cũng đã được tăng cường thực hiện có hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường được tăng cường đã giúp phát hiện, uốn nắn, xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giúp công tác quản lý về tài nguyên và môi trường từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đến nay, các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành nghĩa vụ với Nhà nước, đóng góp tích cực cho ngân sách. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn có nơi, có lúc còn chưa thực sự chặt chẽ. Ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp chưa cao. Một số tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng cam kết môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; chưa chú trọng đầu tư cho chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Số ít đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định…

Để siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo sự phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác, quản lý, sử dụng khoáng sản đến tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động này; phát huy vai trò giám sát, thông tin, phản ánh của người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khai thác, chế biến khoáng sản cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng nơi khai thác, đóng góp nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng kinh tế - xã hội, nghiêm túc thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác.

Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp thu, khắc phục triệt để các tồn tại đã chỉ ra trong các cuộc thanh tra, kiểm tra, làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để được giải đáp, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo đúng quy định.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính, đồng hành hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp".

"Cùng đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh mở rộng sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại, sản xuất đến sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đặc biệt, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ nổ mìn phải tuân thủ đúng thiết kế khai thác mỏ, thiết kế xây dựng; chỉ được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại đúng vị trí cấp phép; áp dụng các biện pháp nổ mìn tiên tiến, sử dụng các loại vật liệu nổ công nghiệp ít gây tiếng ồn và khói bụi để không ảnh hưởng đến môi trường” là điều mà ông Quang đặc biệt nhấn mạnh.

Yên Bái: Phụ nữ thôn Bó Mi huyện Yên Bình với phong trào chống rác thải nhựa

Thôn Bó Mi, xã Tân Phượng có 95 hộ, 415 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Dao. Thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân đang ngày một nâng cao, giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Các tổ chức hội, đoàn thể của thôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện hiệu quả nhiều phong trào, trong đó phong trào chống rác thải nhựa của Hội Phụ nữ (HPN) thôn đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Hội Phụ nữ thôn Bó Mi tham gia hội thi trưng bày sản phẩm nông sản tại các gian hàng Chợ quê xã Tân Phượng

Hưởng ứng Phong trào "chống rác thải nhựa” và Phong trào "Phụ nữ Yên Bái chung tay thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”, HPN xã Tân Phượng đã phát động phong trào thi đua với Chủ đề "Phụ nữ Tân Phượng với môi trường xanh - sạch - đẹp” tới 100% chi hội cơ sở và xây dựng thí điểm Câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” tại thôn Bó Mi với 25 thành viên.

Từ khi thành lập, CLB đã xây dựng kế hoạch hoạt động, tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện các hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, từ việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hằng ngày. Các thành viên trong CLB tích cực tuyên truyền những tác hại của việc sử dụng túi nilon thông qua các cuộc họp thôn và trực tiếp đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động các chị em khác cùng thực hiện; phê bình những chị em chưa làm tốt, biểu dương những thành viên làm tốt.

Chia sẻ những hình ảnh và việc làm tích cực góp phần bảo vệ môi trường trên nhóm Zalo, Facebook của Hội, của thôn để chị em và người dân tích cực thực hiện. Các thành viên CLB cam kết sử dụng giỏ xách bằng nhựa để đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon. Tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện phong trào chống rác thải nhựa tại địa phương, thay đổi hành vi, thói quen hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, phân loại rác thải; vận động chị em phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chị Triệu Thị Thiện - Chủ tịch HPN xã Tân Phượng cho biết: "Sau khi ra mắt và đi vào hoạt động, các thành viên trong CLB "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” thôn Bó Mi đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động người thân trong gia đình, cộng đồng cùng tham gia, chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ và trong sinh hoạt hàng ngày; không xả nước thải ra đường; phân loại rác thải tại gia đình... Hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng chế phẩm sinh học để ủ các loại rác hữu cơ như rau, củ, quả, thức ăn thừa… tái sử dụng bón cho cây trồng; một số khác như thùng carton, sách báo cũ, các loại vỏ lon, đồ nhựa… chị em thu gom bán gây quỹ Hội; còn các loại rác vô cơ không tái chế thì được chôn lấp, các loại rác dễ cháy thì thu gom và đốt theo quy định”.

Để khuyến khích các thành viên thực hiện tốt việc hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ, HPN xã Tân Phượng đã tổ chức các cuộc thi đan lát các sản phẩm như gùi, giỏ tre để đi chợ hay đan giỏ đựng các loại hoa quả… Hàng năm, tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình hạn chế sử dụng túi nilon, thay vào đó là sử dụng lá dong để gói xôi bán tại các điểm gần trường học, dùng lạt xỏ thịt, rau, cá…; vận động 100% hội viên ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường bằng cách phân loại rác hữu cơ, vô cơ, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa 1 lần, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, CLB còn phối hợp trồng hàng rào xanh tại nhà văn hóa thôn Bó Mi, chăm sóc hoa, cây xanh ở gia đình và bên đường, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Các thành viên trong CLB cũng tích cực cùng với thôn xây dựng mô hình thu gom và xử lý rác thải như: "Ngôi nhà xanh”, thùng đựng rác, lò đốt rác mini…

Thời gian tới, HPN xã Tân Phượng tiếp tục nhân rộng mô hình CLB "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, từ đó thay đổi hành vi, thói quen hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, phân loại rác thải, tái sử dụng túi nilon góp phần bảo vệ môi trường.

Mường Ảng (Điện Biên) chủ động phòng chống thiên tai

Hàng năm, huyện Mường Ảng chú trọng kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy các cấp. Việc xây dựng phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” được chuẩn bị tích cực, chu đáo; có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ bị động sang chủ động. Công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thiên tai được thực hiện tương đối chính xác, giúp địa phương triển khai phương án ứng phó với các tình huống hiệu quả.

tm-img-alt
Huấn luyện phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng dân quân tự vệ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

UBND huyện Mường Ảng chú trọng tổ chức diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn để nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng và nhân dân địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phù hợp, sát với thực tế. Từ đó ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân.

Huyện Mường Ảng đã phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam khởi động dự án “Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên” (IREM). Thời gian thực hiện từ tháng 11/2023 - 11/2024. Trên địa bàn huyện, dự án được thực hiện tại 2 xã: Xuân Lao và Mường Lạn với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường Ảng, đầu mùa mưa năm 2024 (từ ngày 5 – 13/5) mưa lớn, dông lốc đã làm ảnh hưởng 59 ngôi nhà của người dân các xã Ẳng Tở, Xuân Lao, Nặm Lịch. Trong đó, ngôi nhà của ông Cà Văn Thận, bản Pá Cha, xã Ẳng Tở bị tốc mái hoàn toàn; những ngôi nhà còn lại bị hư hỏng dưới 30%; 3 con trâu của người dân xã Xuân Lao bị sét đánh; 4,3ha lúa của người dân bị thiệt hại dưới 30%; tổng thiệt hại ước trên 150 triệu đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND huyện Mường Ảng đã khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND các xã khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Chỉ đạo các lực lượng tại chỗ cùng dân quân hỗ trợ ngày công dọn dẹp, lợp lại nhà cho hộ gia đình bị tốc mái, giúp người dân sớm ổn định đời sống.

Trung tá Lê Đình Hải, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mường Ảng cho biết: Nhằm đối phó với mọi tình huống lũ lụt, lũ quét xảy ra trong mùa mưa, đơn vị luôn coi trọng việc xây dựng kế hoạch huy động lực lượng tại chỗ, từ đó tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện. Chỉ đạo các xã thành lập các đội phản ứng nhanh (gồm dân quân, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt) sẵn sàng xử lý mọi tình huống xảy ra. Đồng thời, trong thời gian huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, Ban CHQS huyện đều đưa nội dung huấn luyện phương án phòng, chống bão lụt, thiên tai. Trong đó chú trọng thực hành kỹ thuật bơi cứu người, phương pháp cứu người bị nạn, đưa người ra khỏi vùng nguy hiểm, phương pháp sơ cấp cứu người bị nạn trên sông suối... Từ đó chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, kịp thời ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Tiền Giang: Mưa dông làm 2 căn nhà bị tốc mái

Tin trên Báo Ấp Bắc, chiều 15/5, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, cơn mưa dông vào chiều 14/5 làm 2 căn nhà tốc mái tại huyện Châu Thành.

tm-img-alt
Căn nhà bị tốc mái tại xã Tam Hiệp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN 2 xã Tam Hiệp và Long Định, vào khoảng 17 giờ ngày 14-5, mưa dông, kèm theo gió giật mạnh trên địa bàn 2 xã làm tốc mái 2 căn nhà.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, Ban PCTT&TKCN 2 xã Tam Hiệp và Long Định, đã huy động lực lượng đến hỗ trợ người dân khắc phục nhà bị tốc mái do mưa dông gây ra; đến thời điểm báo cáo đã khắc phục hậu quả.

H.Hà (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/5/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Sông Đế*
Dù không đế không vua///Vẫn có em: Hoàng hậu///Anh ngồi nhớ ngày xưa///Với muôn vàn yêu dấu.

Thương hiệu đồng hành