Chủ nhật, 08/09/2024 06:59 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 27/9/2023

MTĐT -  Thứ tư, 27/09/2023 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 27/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Sơn La: Chấp thuận đầu tư Dự án Chỉnh trang đô thị Tiểu khu 1 thị trấn Yên Châu gần 600 tỷ đồng

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 593 tỷ đồng; tổng diện tích 117.757,5 m2; quy mô dân số khoảng 1.800 người.

Mục tiêu đầu tư gồm chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư mới và phụ cận với không gian kiến trúc cảnh quan được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở thương mại và hiện trạng theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trong đó tổng số lô đất ở là 297 lô với tổng diện tích hơn 42 nghìn m2.

Tiến độ thực hiện Dự án khoảng 57 tháng, trong đó thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ bắt đầu từ quý III/2023.

Giao UBND huyện Yên Châu lập yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án sử dụng đất theo quy định, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ sở thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Hà Nội quy định về thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/10/2023, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến công tác thi công và hoàn trả kết cấu đường bộ trên các tuyến đường đang khai thác thuộc hệ thống đường bộ do TP Hà Nội quản lý.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân thi công xây dựng công trình trên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận việc xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đồng thời có phương án tổ chức giao thông phù hợp với biện pháp tổ chức thi công được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận và được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi khởi công công trình.

tm-img-alt
Thành phố khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong việc thi công trên đường bộ đang khai thác để hạn chế công tác đào, cắt kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. (Ảnh: Internet)

Với các tuyến đê kết hợp giao thông trước khi thi công phải lấy ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý đê điều về phương án sửa chữa.

Đơn vị quản đường bộ khi thực hiện công tác bảo trì đường bộ không phải xin giấy phép thi công nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thành phố khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong việc thi công trên đường bộ đang khai thác để hạn chế công tác đào, cắt kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, như các biện pháp khoan bằng robot, khoan kích ngầm, sử dụng các cấu kiện đúc sẵn để rút ngắn thời gian, tiến độ thi công.

Dự án xây dựng công trình thiết yếu, kết cấu hoàn trả phải bảo đảm điều kiện chất lượng bằng hoặc tốt hơn kết cấu đường bộ ban đầu. Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết cấu đường bộ được tính toán thiết kế theo các quy định hiện hành.

Ngoài ra với công trình thiết yếu, phần hoàn trả phải thực hiện khảo sát hiện trạng kết cấu hạ tầng đường bộ và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với phần hoàn trả kết cấu hạ tầng đường bộ có yêu cầu phức tạp, chủ đầu tư phải lập hồ sơ thiết kế riêng cho phần hoàn trả và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục xin cấp phép.

Bắc Giang: Nhiều lô đất đấu giá chênh lệch cao ở Yên Dũng

Ngày 23/9, tại thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng 67 lô đất ở thuộc Khu đô thị số 2 Nham Biền. Các lô đấy này có diện tích 80 - 90 m2/lô với tổng giá khởi điểm hơn 61 tỷ đồng.

Khu đất đưa ra đấu có vị trí gần Khu công nghiệp Yên Lư và nằm sát quốc lộ 17. Hiện các hạng mục của Khu đô thị số 2 thị trấn Nham Biền đã cơ bản hoàn thành với nhiều tiện ích như: Hồ điều hòa, cây xanh, đất thương mại dịch vụ,…

Một huyện sắp sáp nhập vào TP Bắc Giang vừa đấu giá đất có chênh lệch cao nhất từ đầu năm tới nay
Một phần Khu đô thị số 2, thị trấn Nham Biền đối diện KCN Yên Lư. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Yên Dũng).

Kết quả, cuộc đấu giá có 266 khách hàng tham gia với 777 hồ sơ, tổng giá trúng hơn 115,3 tỷ đồng, chênh lệch hơn 54 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

So với các phiên đấu giá trước, giá trúng đấu giá của các lô đất ở phiên này cao gần gấp đôi so với giá khởi điểm, được đánh giá là chênh lệch cao nhất từ đầu năm đến nay.

Trước đó, từ đầu năm đến ngày 22/9, Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng đã tổ chức thành công 13 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở với 596 lượt lô, tổng diện tích hơn 63.687 m2.

Tổng số lô trúng đấu giá là 219 với tổng diện tích gần 21.000 m2, trong đó có 24 lô tại khu dân cư mới xã Cảnh Thụy - thị trấn Neo (nay là thị trấn Nham Biền), huyện Yên Dũng (khu dân cư thôn Tây, thôn Nhất); 20 lô tại khu đô thị số 1 thị trấn Neo (nay là thị trấn Nham Biền), huyện Yên Dũng; 11 lô tại khu dân cư mới xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (khu 2); 27 lô tại khu dân cư thôn Bùi Bến, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng; 53 lô tại khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng; một lô tại khu dân cư thôn An Phú, xã Xuân Phú; 83 lô tại khu dân cư thôn Sơn Thịnh, xã Trí Yên.

Tổng giá trị 219 lô đấu giá thành công trên theo giá khởi điểm là 202,659 tỷ đồng; tổng giá trị theo giá trúng đấu là hơn 262,8 tỷ đồng, chênh lệch hơn 60 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, hôm nay (26/9), huyện Yên Dũng cũng sẽ tổ chức đấu giá 50 lô tại Khu đô thị số 2, thị trấn Nham Biền với giá khởi điểm từ 9,9 đến hơn 12,8 trệu đồng/m2.

Hải Dương: Thu hồi đất để thực hiện 60 dự án, công trình trên địa bàn

Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về danh mục hồ sơ, tài liệu các dự án đề nghị chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình bổ sung năm 2023 trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo nội dung báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, sở đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi khoảng 72 ha đất để thực hiện 60 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh và đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng 56,16 ha đất trồng lúa để thực hiện 35 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tại buổi làm việc, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã xem xét, làm rõ các hồ sơ, căn cứ, tài liệu có liên quan đến các dự án đề nghị chấp thuận thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản nhất trí, đồng ý trình HĐND tỉnh thu hồi đất thực hiện các dự án, công trình đã được HĐND chấp thuận và các dự án, công trình đăng ký mới đủ điều kiện thu hồi đất thực hiện và đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa.

Đối với các công trình, dự án cần thiết nhưng chưa đầy đủ điều kiện, Ban sẽ báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến trước khi trình HĐND tỉnh.

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp hoàn thiện cơ sở pháp lý của các dự án, công trình đề nghị thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hoàn thiện tờ trình của UBND tỉnh…

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ vật liệu làm cao tốc Bắc-Nam

Liên quan đến nguồn vật thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, với 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đá cần khoảng 1,35 triệu m3, đất đắp khoảng 1,5 triệu m3 lấy từ các mỏ đang khai thác trong khu vực.

Đối với vật liệu cát đắp nền, để đáp ứng nhu cầu của 2 dự án trên, Chính phủ đã giao các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí cho dự án với tổng nhu cầu hơn 18 triệu m3.

Đến nay, tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 nhu cầu năm 2023. Với 3,7 triệu m3 cho nhu cầu năm 2024, UBND tỉnh đang xem xét phương án cung cấp. Tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3. Hiện, nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 5 mỏ cho 3,3 triệu m3.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngày 20/9 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao cho nhà thầu 1 mỏ trữ lượng khoảng 0,5 triệu m3. Các đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác. Với các mỏ còn lại, địa phương phấn đấu bàn giao trong tháng 9/2023.

Về phía tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh đã có văn bản giao cho nhà thầu thực hiện thăm dò 2 mỏ với trữ lượng gần 1,4 triệu m3, dự kiến khai thác tháng 12/2023. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giao cho nhà thầu thăm dò thêm 2 mỏ với tổng trữ lượng dự kiến khoảng 2,6 triệu m3.

Với 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa, theo Bộ Giao thông Vận tải, tính toán cho thấy, tổng nhu cầu vật liệu đá cần xấp xỉ 18 triệu m3. Về cơ bản, các mỏ đang khai thác đáp ứng khả năng cung ứng cả về chát lượng, trữ lượng.

Vật liệu cát cần gần 10 triệu m3, gồm: gần 5 triệu m3 từ 77 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng hơn 10,6 triệu m3) và hơn 4,7 triệu m3 sử dụng từ 14 mỏ chưa khai thác (tổng trữ lượng gần 12 triệu m3).

Vật liệu đất cần gần 50 triệu m3, gồm: 2,7 triệu m3 từ 21 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3) và 74 mỏ chưa khai thác (tổng trữ lượng hơn 64 triệu m3).

Đối với mỏ mở mới được giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù, các nhà thầu đã trình 13/14 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cát với tổng trữ lượng hơn 4 triệu m3; 56/74 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đất với tổng trữ lượng hơn 49 triệu m3. 

Uỷ ban nhân dân các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ cát, 38/56 mỏ đất. Đến nay, có 4/10 mỏ cát đã được khai thác với trữ lượng hơn 1,4 triệu m3 (tỉnh Bình Định 2 mỏ; Phú Yên 2 mỏ) và 14/38 mỏ đất với trữ lượng khoảng 12 triệu m3 (tỉnh Quảng Ngãi 3 mỏ, Bình Định 3 mỏ, Khánh Hòa 8 mỏ).

Đối với các mỏ đã hoàn thành bản đăng ký khối lượng, các nhà thầu đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất để có thể khai thác vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023. Đối với các mỏ còn lại dự kiến hoàn thành các thủ tục trong năm 2023.

Nhằm đáp ứng tiến độ triển khai dự án, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị các ban, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 3 mỏ cát (đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn), 18 mỏ đất đã trình nhưng chưa được xác nhận trong nửa đầu tháng 10/2023 (đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong).

Đồng thời, thỏa thuận với chủ sở hữu mỏ để có thể khai thác 6 mỏ cát (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong), 21 mỏ đất đã được xác nhận Bản đăng ký khối lượng (các đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong) để sớm có thể khai thác các mỏ.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022, với tổng chiều dài 729 km, quy mô 4 làn xe. 

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập gồm: các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau), sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng để cơ bản hoàn thành toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào cuối năm 2025.

Bình Định: Chủ trương đầu tư dự án khu dân cư tại Vân Canh hơn 415 tỷ đồng

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 26,34 ha, bao gồm: san nền mặt bằng, đường giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy, cấp điện sinh hoạt và chiếu sáng, thông tin liên lạc (hố ga kỹ thuật, ống luồn cáp), công viên.

Dự án cân đối các nguồn vốn thực hiện từ năm 2024 - 2025 từ ngân sách Tỉnh bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để chuẩn bị đầu tư và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; sau năm 2025 bố trí vốn triển khai thi công từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

TP.HCM: Chỉ đạo không cho xe đón trả khách tại cửa hàng xăng dầu

Ngày 26/9, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở, ngành, địa phương về việc tăng cường bảo đảm trật tự hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn.

Theo đó Chủ tịch UBND TP giao Ban ATGT chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Công an TP, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019.

Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng (Cổng thông tin 1022) để người dân kịp thời thông tin và phản ánh về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP.

tm-img-alt
Việc trả, đón khách sai quy định đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM.  (Ảnh: Internet)

Cán bộ, công chức trên địa bàn TP phải gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông.

Chủ tịch UBND TP giao Công an TP tiếp tục triển khai tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn.

Phòng CSGT, Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tình trạng “xe dù, bến cóc”, chở quá số người, xe quá tải, vi phạm tốc độ và nồng độ cồn, tăng giá vé trái quy định, dừng, đỗ trái phép, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè…

Sở GTVT duy trì kế hoạch kiểm tra hàng năm đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; tổ chức cho lái xe ký cam kết tự giác chấp hành quy định về đảm bảo an toàn giao thông, không sử dụng ma túy, nồng độ cồn, chở quá số người quy định.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời các hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông, nhất là các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhằm góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đáng chú ý, TP.HCM giao các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh xăng dầu không được tổ chức xe khách vào đón, trả khách tại các cửa hàng xăng dầu, đảm bảo an toàn cho hành khách, nhất là tại các mặt bằng kinh doanh dọc Quốc lộ 13, TP Thủ Đức.

Riêng quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách thẩm quyền quản lý; kiên quyết xử lý dứt điểm các bãi trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm có tổ chức đón trả khách không đúng quy định.

Thường xuyên theo dõi, xác định các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên địa bàn để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời khắc phục.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay tại một số cửa hàng xăng dầu trên Quốc lộ 13, thành phố Thủ Đức, TP.HCM thường xuyên diễn ra tình trạng xe khách, xe hợp đồng, xe taxi lợi dụng việc đổ xăng dầu để đón trả khách sai quy định, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và không đảm bảo đầy đủ quy định về phòng chống cháy nổ như tại cửa hàng xăng dầu Nhơn Hòa, cửa hàng xăng dầu Petrolimex 47...

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 27/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kịp thời hỗ trợ người lao động trong mưa bão
Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái) đã rà soát và hỗ trợ nhiều công nhân xây dựng trong KCN nơi ăn và chỗ ở kiến cố, an toàn trong thời điểm bão số 3 đổ bộ vào đất liền.