Thứ năm, 19/09/2024 07:58 (GMT+7)

Tin dự báo mới nhất về vị trí và đường đi của Bão số 3 (Bão Yagi)

MTĐT -  Thứ năm, 05/09/2024 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự báo, ngày 7/9, bão số 3 - Bão Yagi sẽ vào khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.

Bão số 3 (YAGI) có thể trở thành cơn bão mạnh nhất trong năm 2024, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 15 (167-183 km/h) và giật trên cấp 17.

Vào hồi 07 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão được xác định ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520 km về phía Đông. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/h.

tm-img-alt
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Dự báo diễn biến Bão số 3 (bão YAGI) trong 24 đến 72 giờ tới

Trên biển:

Khu vực Bắc Biển Đông sẽ có gió mạnh cấp 11-13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sẽ có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau đó tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Trên đất liền:

Từ gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Sóng biển:

Vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao từ 7,0-9,0m, vùng gần tâm bão từ 10,0-12,0m. Biển động dữ dội. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ sẽ có sóng cao từ 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m.

Mưa lớn:

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Dông, lốc xoáy:

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.

Tình hình bão số 3 (YAGI)

Bão số 3 đã tăng 4 cấp và sẽ còn tiếp tục mạnh lên trong 24-48 giờ tới thành siêu bão.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 14h chiều 4/9, bão số 3 đang ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710 km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133 km/h), giật cấp 15. Sau khi vào Biển Đông, bão số 3 đã tăng 4 cấp. Hiện nay, trên Biển Đông, nền nhiệt độ cao, trên 30 độ C là điều kiện để kích hoạt bão mạnh lên. Trong 24-48 giờ tới, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ khi tiếp cận đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Nếu bão số 3 mạnh lên thành siêu bão, các phương án chỉ đạo sẽ phải thay đổi. Từ giờ đến 48 giờ tới, khi bão gần đảo Hải Nam, hầu hết các dự báo đều dự báo cường độ bão YAGI tăng. Một số cơ quan dự báo bão có thể tăng cấp 16 và cao hơn thành siêu bão.

Đối với tình hình như hiện nay, theo thông tin đánh giá sức gió tại trạm quan sát ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc), có trường hợp tính toán sức gió có thể đạt cấp 16, giật cấp 17. Khi bão số 3 đạt cấp 16, sẽ có rất nhiều tác động.

Chỉ đạo ứng phó bão số 3 (YAGI)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Bão số 3 cường độ rất mạnh, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thủ tướng yêu cầu triển khai ứng phó bão số 3 theo phương châm "bốn tại chỗ", không để bị động, bất ngờ. Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Công tác đảm bảo an toàn đê điều

Ngày 4/9/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 6505/BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với bão số 3. Bão số 3 đang hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có cường độ rất mạnh (sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 và còn tiếp tục mạnh lên cấp 14-15, giật cấp 16-17) sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đe dọa trực tiếp đến an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông và hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê sông.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

  1. Thực hiện nghiêm Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3.
  2. Đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông:
    • Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ.
  3. Đối với các tuyến đê sông:
    • Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục.

Ứng phó của các lực lượng chức năng

Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) đã có Công điện gửi các Quân khu, Quân chủng, Bộ tư lệnh và các đơn vị liên quan để chủ động ứng phó với diễn biến của bão trên Biển Đông và mưa lớn có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp.

Các đơn vị quân đội được yêu cầu duy trì nghiêm chế độ trực, theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động ứng phó.

Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an đã có công điện gửi Ban chỉ huy ứng phó các tỉnh, thành phố và các đơn vị chức năng về việc chủ động ứng phó với bão YAGI và mưa lũ do ảnh hưởng của bão.

Công điện yêu cầu các đơn vị khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ.

----------------------

Bão số 3 (YAGI) đang có diễn biến phức tạp và có khả năng gây ra nhiều thiệt hại cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Các cơ quan chức năng và người dân cần chủ động theo dõi thông tin từ các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

H.Hà (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin dự báo mới nhất về vị trí và đường đi của Bão số 3 (Bão Yagi). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kinh nghiệm ứng phó bão lũ của các nước trên thế giới
Hàng năm thế giới phải hứng chịu nhiều cơn bão, kéo theo tình trạng lũ lụt, các vụ sạt lở, lũ quét. Để ứng phó, nhiều nước đã có nhiều biện pháp vừa tình thế vừa dài hạn để phòng, tránh, chống và phản ứng nhanh, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Tin mới

Ứng Hòa: Trạm trộn bê tông hoạt động không phép gây ảnh hưởng đến môi trường tại xã Phương Tú
Không được cấp phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về môi trường thế nhưng trạm trộn bê tông của Công ty Hợp Quyết tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường khiến người dân bức xúc.