Thứ ba, 02/07/2024 12:45 (GMT+7)

Tiền Giang quyết tâm bảo vệ cồn Ngang trước tình trạng xói lở nặng nề

MTĐT -  Chủ nhật, 30/06/2024 12:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cồn Ngang là vùng đất bãi bồi tự nhiên, nằm ở hạ lưu sông Tiền tiếp giáp với biển Đông, thuộc địa bàn xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Thời gian gần đây, do tác động của nhiều nguyên nhân đã làm cho đất ven cồn này bị xói lở nghiêm trọng.

Cồn Ngang có chiều dài 5,5 km, rộng 2,5 km, với diện tích 1.617 ha; trong đó, có 220 ha diện tích rừng phòng hộ. Gần đây, cồn Ngang bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, thủy triều xâm thực vào từ 20-40 mét ảnh hưởng sản xuất và đời sống người dân. Nhiều diện tích đất rừng phòng hộ bị trốc gốc chết, cơ sở hạ tầng, đường sá còn bị xói lở gây hư hỏng.

Trước thực trạng này, từ năm 2022, Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư triển khai dự án Kè chống sạt lở Cồn Ngang có tổng vốn đầu tư trên 238 tỷ đồng.

Dự án do Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam là đơn vị tư vấn thiết kế, kết cấu công trình gồm: Đê giảm sóng kết cấu rỗng bằng cấu kiện bê tông cốt thép đặt xa bờ lắp ghép lại thành tuyến để giảm sóng; đê giảm sóng, mỏ hàn phía trong kết cấu rỗng bằng cấu kiện giảm sóng TC1; mỏ hàn phía ngoài bằng cấu kiện giảm sóng TC2.

Cấu kiện được bố trí trên bè cừ tràm và vải địa kỹ thuật chống lún, lớp đá dăm có tác dụng tạo mặt phẳng và ma sát trong quá trình lắp đặt cấu kiện như tăng ổn định của công trình. Đá hộc bố trí trước và sau công trình có tác dụng chống xói chân công trình do sóng phản xạ và tăng cường khả năng ổn định trượt, lật cho cấu kiện giảm sóng.

Thi công đê giảm sóng gồm các khối cấu kiện bê tông cốt thép kết cấu rỗng được lắp đặt kết nối lại thành tuyến đê phía ngoài xa bờ biển nhằm giảm sóng cùng các công trình phụ trợ không chỉ có tác dụng phòng, chống sạt lở mà còn góp phần gây bồi, tạo bãi để địa phương tiếp tục trồng, tái tạo rừng phòng hộ phía trong đê, tạo hệ sinh thái bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Giải pháp xây đê, kè chắn sóng, gây bồi có rất hiệu quả để bảo vệ cồn Ngang
Giải pháp xây đê, kè chắn sóng, gây bồi có rất hiệu quả để bảo vệ cồn Ngang
Kè chắn sóng bằng bê tông cốt thép bền vững, có sức chống chịu sóng và còn gây bồi lắng bên trong
Kè chắn sóng bằng bê tông cốt thép bền vững, có sức chống chịu sóng và còn gây bồi lắng bên trong

Toàn dự án có chiều dài 6,8 km, gồm 4 gói thầu; đến nay, có 2 gói thầu đã hoàn thành vào cuối tháng 12 năm ngoái. Còn lại 2 gói thầu ở giai đoạn “nước rút” và sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay.

Qua thời gian theo dõi, công nghệ đê kè giảm sóng tại Tiền Giang bước đầu đã phát huy rất hiệu quả. Điển hình như khu vực Cồn Cống, bãi biển Tân Thành và dự án này, qua một thời gian, tuyến đê giảm sóng đã gây bồi, tạo bãi, từng bước khôi phục đai rừng.

Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, tìm giải pháp khắc phục sạt lở cồn Ngang
Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, tìm giải pháp khắc phục sạt lở cồn Ngang

Ông Trần Công Danh Chủ tịch UBND xã Phú Tân nói: “Đối với cồn Ngang, trước đây là khu vực bãi bồi. Qua nhiều năm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đối với người dân xã Phú Tân đặc biệt là ấp cồn Cống. Sạt lở đã trên 150 ha đất của hơn 20 hộ dân. Qua đó theo đề nghị của địa phương theo nhu cầu của người dân đầu tư tuyến bờ kè để giảm song, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân khu vực này. Hiện nay bờ kè đã được đầu tư và rất hiệu quả”.

Đê kè giảm sóng, gây bồi rất phù hợp đối với công tác phòng chống xói lở khu vực ven biển, cửa sông, nhất là tái tạo bãi bồi để trồng rừng. Mô hình này đã ứng dụng thành công tại tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.

Cồn Ngang có vị trí quan trọng về kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng cần được bảo vệ trước tác động của thiên tai
Cồn Ngang có vị trí quan trọng về kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng cần được bảo vệ trước tác động của thiên tai

Ông Lê Xuân Tú, cán bộ Viện khoa học thủy lợi Miền Nam chia sẻ: “Đối với khu vực cồn Ngang chúng tôi đã có nghiên cứu cấp Vùng, đưa ra kết cấu cho phù hợp để giảm sóng và cho nước, cát xuyên ra để cho gây bồi, cây vùng ngập mặn có thể sinh sôi được. Ở khu vực mà sóng lớn chúng tôi dùng những cấu kiện mà trọng lượng lớn hơn. Đây là công nghệ mới của Viện khoa học thủy lợi Miền Nam mà nay ứng dụng tại Tiền Giang có một số công trình, qua thời gian đánh giá, đo đạc chúng tôi thấy tốc độ bồi lắng rất tốt”.

Điều đáng nói là do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, sóng to gió lớn nên việc thi công dự án này, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, có thời điểm phải tạm ngưng thi công. Với sự nỗ lực cao, đơn vị thi công đã tranh thủ khi thời tiết thích hợp đã đẩy nhanh tiến độ công trình với chất lượng cao, đảm bảo đúng thiết kế.

Sau khi hoàn thành Dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp-PTNT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư đoạn nối giữa Cồn Cống và Cồn Ngang dài khoảng 3,5 km, với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để khép kín khu vực sạt lở của cồn Ngang.

Hệ sinh thái ven cồn bị thưa dần
Hệ sinh thái ven cồn bị thưa dần

Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: “Sau khi hoàn thành dự án kè chống sạt lở này, chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh, TW tiếp tục đầu cho đoạn nối giữa cồn Cống và cồn Ngang kinh phí khoảng 150 tỷ. Sau khi chúng tôi đầu tư được đoạn khép này thì toàn bộ hệ thống cồn Ngang này sẽ được khép kín, đảm bảo bao phủ”.

Đê kè giảm sóng, gây bồi tại cồn Ngang, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, ngoài phòng, chống sạt lở và giảm nhẹ thiên tai, còn giúp tạo bãi bồi, phục hồi diện tích rừng phòng hộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch sinh thái bền vững hạ lưu sông Tiền cũng như nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ an ninh biên giới biển ở nơi “đầu sóng ngọn gió”.

Bạn đang đọc bài viết Tiền Giang quyết tâm bảo vệ cồn Ngang trước tình trạng xói lở nặng nề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Cùng chuyên mục

Quảng Trị: Hơn 10 ha rừng phòng hộ bị cháy rụi
Thông tin từ Đồn Biên phòng Triệu Vân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 30/6, người dân phát hiện tại khu vực rừng phòng hộ thôn Vân Tường, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong xảy ra đám cháy.

Tin mới