Thứ ba, 17/09/2024 02:22 (GMT+7)

Thanh Hóa: Đồng ý cho doanh nghiệp nhận chìm 500 nghìn mét khối bùn, bùn sét xuống biển

Duy Thịnh -  Thứ hai, 15/07/2024 12:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 10/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép số 124/GP-UBND cho phép Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP nhận chìm 500.000 m3 chất nạo vét .

Cụ thể giấy phép nêu: Cho phép Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP được nhận chìm chất nạo vét ở biển chất nạo vét Dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải chuyên dùng và các vùng nước phục vụ bến cảng thuộc Khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Khối lượng chất nhận chìm: 500.000 m3 (Năm trăm nghìn mét khối); Thành phần của chất nạo vét, nhận chìm: Bùn, bùn sét. Chất nạo vét không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Địa điểm khu vực biển nhận chìm thuộc vùng biển thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Khu vực biển đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa bổ sung vào Phụ lục 2 của Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của UBND tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ các hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 10/01/2024).

Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích là: 190,2 ha, độ sâu sử dụng từ -14,88m đến -13,24m, được giới hạn bởi các điểm góc AP01, AP02, AP03, AP04 có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển kèm theo.

tm-img-alt

Giấy phép của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP nhận chìm 500.000 m3 chất nạo vét Dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải chuyên dùng và các vùng nước phục vụ bến cảng thuộc Khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Phương tiện chuyên chở: 04 tàu kéo, 06 tàu hút phun (xén thổi) công suất trên 2000 CV, 06 xà lan hút cát phun cát lên bờ, 06 máy đào gầu dây dung tích gầu 5 m3 và 12 xà lan tự hành có cửa xả đáy trọng tải 800T đến 1500T, 06 tàu hút bụng tự hành công suất trên 2000 CV, 02 cẩu 25 tấn kết hợp xà lan. Hình thức nhận chìm chất nạo vét: Theo hình thức xả đáy.

Thời gian đề nghị nhận chìm là 24 tháng kể từ ngày ký Giấy phép nhận chìm ở biển (thời gian thi công nhận chìm cụ thể được nêu trong Dự án nhận chìm ở biển).

Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP có trách nhiệm: Nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định tại Thông tư số 105/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển và các khoản phí có liên quan theo quy định của pháp luật; bố trí đủ kinh phí để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường do hoạt động nhận chìm gây ra.

Chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa; thông báo về thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về đơn vị thi công, đơn vị giám sát hoạt động nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân 3 thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp và các cơ quan có liên quan làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật, chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định tại Điều 1 của Giấy phép này và trong Dự án nhận chìm ở biển; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm.

Trường hợp có dấu hiệu không bảo đảm an toàn hoặc nhận chìm không đúng vị trí hoặc không đúng thành phần của chất nạo vét theo Điều 1 Giấy phép này hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển chất nhận chìm hoặc một trong các thông số giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đăng ký các phương tiện chuyên chở chất nhận chìm đã gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gồm: Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Bộ đội Biên phòng tỉnh; ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; Lập phương án đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn giao thông.

Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; thực hiện thi công nạo vét, vận chuyển, nhận chìm chất nạo vét đảm bảo không ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong khu vực; chấp hành đúng quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện các vấn đề ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc ảnh hưởng đến việc vận hành vũ khí trang bị, kỹ thuật do tác động của hoạt động nhận chìm gây ra thì phải tạm dừng và phối hợp với cơ quan quân sự các cấp xác định biện pháp khắc phục, xử lý đúng quy định.

Thực hiện các nghĩa vụ cụ thể như sau: Chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển; bảo đảm tính chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, đánh giá và các kết quả tính toán nêu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển. Chịu trách nhiệm về kết quả tính toán khối lượng vật, chất đề nghị nhận chìm; Nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật.

Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nhận chìm trong suốt quá trình nhận chìm ở biển. d) Không cản trở hoặc gây thiệt hại đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác; Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về hoạt động nhận chìm ở biển khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, chương trình quản lý, giám sát môi trường, giám sát hành trình, vị trí, khối lượng chất nhận chìm bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường biển, hệ sinh thái, nuôi trồng thủy sản khu vực nạo vét, nhận chìm.

Các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, các chương trình quản lý, giám sát môi trường, giám sát hành trình, vị trí, khối lượng chất nhận chìm phải được thực hiện theo các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐBQLKKTNS&KCN ngày 26/3/2024, trong Dự án nhận chìm ở biển và theo các yêu cầu tại Giấy phép này.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Về quan trắc, giám sát, chế độ thông tin, báo cáo: Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường và chế độ thông tin, báo cáo trong quá trình nhận chìm ở biển; hàng tháng và sau khi kết thúc nhận chìm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa và các cơ quan liên quan; Thực hiện giám sát vị trí, hành trình, khối lượng chất nhận chìm theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và hoạt động nhận chìm; Định kỳ phân tích thành phần vật, chất nhận chìm để đảm bảo thành phần đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Tiến hành kiểm chứng kết quả chạy mô hình bằng số liệu nhận chìm thực tế với kết quả quan trắc giám sát trong quá trình nhận chìm; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa và các cơ quan liên quan trường hợp kết quả kiểm chứng thực tế không phù hợp với kết quả đánh giá trong Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm và có khả năng ảnh hưởng xấu đến môi trường biển; Phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để xảy ra sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ, mất an toàn lao động và phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm của mình gây ra; phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư có sinh kế bị ảnh hưởng bởi hoạt động nhận chìm lập phương án đền bù và thực hiện hỗ trợ thỏa đáng, tạo sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trong trường hợp xảy ra sự cố, rủi ro môi trường gây thiệt hại tới cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên do quá trình thực hiện nhận chìm ở biển gây ra; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân thị xã Nghi Sơn và các đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, nhận chìm của Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP theo quy định của Giấy phép này và theo quy định của pháp luật có liên quan; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm; dừng ngay việc nhận chìm nếu xảy ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các sinh vật và đời sống, sản xuất của nhân dân; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh về nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động nhận chìm của đơn vị được cấp phép theo quy định của pháp luật.

Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP chỉ được phép tiến hành nhận chìm ở biển sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Giấy phép này.

Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Đồng ý cho doanh nghiệp nhận chìm 500 nghìn mét khối bùn, bùn sét xuống biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Chung tay chống rác thải nhựa
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ túi nilon thân thiện với môi trường

Tin mới

5 thầy trò cùng “Gặp gỡ mùa Thu”
"Gặp gỡ mùa Thu" là tên cuộc triển lãm nhóm của 5 Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên và Trần Trọng Đạt. Triển lãm sẽ khai mạc vào lúc 9 giờ ngày 20/9, kéo dài đến hết ngày 26/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.