Chủ nhật, 07/07/2024 20:30 (GMT+7)

Thái Bình: Cần giám sát công tác quản lý đất đai, môi trường tại xã Điệp Nông

Ngọc Tuyên - Nguyễn Triển -  Thứ sáu, 17/05/2024 16:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên địa bàn xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đang tồn tại nhiều vấn đề trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và môi trường

Xe tải ra vào bến bãi chở VLXD cao quá thành thùng, có dấu hiệu quá tải, gây ô nhiễm bụi bẩn trên tuyến đê sông Luộc thuộc địa bàn xã Điệp Nông

Tồn tại nhiều vấn về quản lý đất đai, xây dựng, môi trường

Theo phản ánh của người dân xã Điệp Nông, hiện nay trên địa bàn xã đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng và môi trường khi để các bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, đất bãi bồi đê hữu sông Luộc, gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn hành lang bảo vệ đê trên địa bàn xã.

Về lĩnh vực xây dựng, môi trường, có nhiều công trình ngang nhiên xây chồng lấn lên hệ thống kênh mương thoát nước, lấn chiếm lòng sông để nhồi cọc làm móng. Tất cả những vấn đề đã và đang tồn tại gây bức xúc dư luận nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý triệt để.

tm-img-alt
Cần kiểm tra bến bãi tập kết VLXD có dấu hiệu hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, đất bãi bồi đê hữu sông Luộc, gây ảnh hưởng đến môi trường và hành lang bảo vệ đê trên địa bàn xã Điệp Nông. Tại đây còn “mọc” lên các công trình xây dựng kiên cố.

Cũng theo phản ánh của người dân, tại khu vực đê hữu sông Luộc đang tồn tài bến bãi tập kết VLXD rộng hàng nghìn m2, bến bãi này có dấu hiệu hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, đất bãi bồi của đê. Hàng ngày có đủ các loại phương tiện xe tải trọng lớn ra vào chở VLXD đi tiêu thụ, gây ô nhiễm bụi bẩn, ảnh hưởng đến an toàn tuyến đê.

Ngoài ra, tại thôn Việt Mỹ, xã Điệp Nông, chủ đầu tư một công trình nhà xưởng ngang nhiên nhồi cọc bê tông xuống lòng sông để làm móng, xây đua ra ngoài chiếm dụng khoảng không bên trên mặt sông, gây ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ.

Trụ sở xã Điệp Nông không một bóng người trong giờ làm việc

Để làm rõ nội dung phản ánh trên, sáng ngày 16/5, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đến trụ sở UBND xã Điệp Nông để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, tại thời điểm PV có mặt tại đây vào lúc 10h30 (đang trong thời gian làm việc), toàn bộ phòng làm việc của xã đều trong tình trạng “cửa đóng then cài”, không một bóng cán bộ làm việc.

tm-img-alt
tm-img-alt

Công trình nhà xưởng của Công ty TNHH TM&DV Phúc Lâm xây chồng lấn lên hệ thống kênh mương thoát nước của người dân thôn Việt Yên, xã Điệp Nông, gây bức xúc dư luận.

Để tìm hiểu hôm nay xã Điệp Nông có sự kiện gì quan trọng mà phải huy động toàn bộ bộ máy khỏi trụ sở,  PV đã điện thoại và nhắn tin nội dung liên quan vào số điện thoại của ông Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch UBND xã, nhưng không nhận được phản hồi từ vị này.

Tiếp đến, PV đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà để phản ánh sự việc, và chỉ ít phút sau ông Vinh đã chủ động liên hệ lại với PV. Qua điện thoại người đứng đầu chính quyền xã Điệp Nông lý giải về sự vắng mặt bất thường của toàn bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức trong giờ làm việc như sau: Chúng tôi họp từ 7h30 sáng đến 10h20, họp xong rồi nghỉ. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, phòng chống lụt bão và đề án sản xuất vụ đông, vụ hè và vụ thu.

Qua trao đổi, ông Vinh khẳng định và giải thích thêm, thời gian làm việc của xã niêm yết thì buổi sáng làm việc đến 11h trưa. Do sáng nay chúng tôi chuẩn bị hồ sơ để chiều làm việc với Đoàn giám sát của huyện Hưng Hà, nên anh em chúng tôi đi ra ngoài quán phô tô chứ không ở cơ quan?!

tm-img-alt
tm-img-alt

Toàn cảnh công trình ngang nhiên nhồi hệ thống cọc bê tông xuống lòng sông để làm móng công trình, nhưng không được lực lượng chức năng địa phương ngăn chặn, xử lý.

Câu trả lời trên của Chủ tịch UBND xã Điệp Nông là thiếu thuyết phục được dư luận, bởi lẽ chỉ vì việc phô tô tài liệu mà hầu hết lãnh đạo, cán bộ xã này phải rời nhiệm sở trong giờ hành chính!

Ngoài ra, khi PV thắc mắc tại thời điểm này (lãnh đạo, cán bộ xã nghỉ trước giờ hành chính quy định – PV) nếu người dân cần giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở xã, thì sẽ phải chờ đến chiều mới được giải quyết? Ông Vinh nói, đúng là phải chờ đến chiều bởi chúng tôi đã hướng dẫn lịch trực giải quyết thủ tục hành chính cho công dân vào các buổi chiều. Chúng tôi thực hiện việc này nhiều năm nay rồi.

tm-img-alt
tm-img-alt

Trụ sở UBND xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà  trong tình trạng “cửa đóng then cài” vào lúc 10h30 sáng ngày 16/5.

Trả lời câu hỏi của PV, khi toàn bộ bộ máy của chính quyền xã “ngừng hoạt động” trong giờ hành chính thì có vi phạm quy định về thời gian làm việc đã niêm yết hay không? Ông Vinh không trả lời thẳng vào câu hỏi mà tiếp tục giải thích lòng vòng.

Ở một diễn biến khác, liên quan đến nội dung phản ánh về dấu hiệu vi phạm tại bến bãi tập kết VLXD nêu trên. Ông Vinh cho biết, bến bãi này tồn tại nhiều năm rồi và không phải một sớm một chiều (xử lý – PV) được.  Sau đó vị này lấy lý do không tiện trao đổi qua điện thoại để từ chối trả lời những câu hỏi của chúng tôi.

Thông tin về các công trình xây dựng nhà xưởng chồng lấn lên hệ thống cống thoát nước chung của khu dân cư, và việc chiếm lòng sông để làm móng công trình tại thôn Việt Yên. Chủ tịch xã Điệp Nông Nguyễn Quang Vinh lại “né” trả lời những câu hỏi liên quan, đồng thời hướng dẫn PV liên hệ làm việc với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Hà để làm việc.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Cần giám sát công tác quản lý đất đai, môi trường tại xã Điệp Nông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Tin mới

Đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Làm mới 'mặt tiền' TP.HCM
Như Hà Nội và nhiều thành phố Đông Nam Á khác, TP.HCM được gọi là thành phố của những dãy phố thương mại, với những cửa hàng san sát nhau kéo dài tưởng chừng như vô tận.

Thương hiệu đồng hành