Thứ bảy, 06/07/2024 17:20 (GMT+7)

Quy hoạch Thủ đô: Mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng

MTĐT -  Thứ tư, 29/05/2024 10:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Chính trị nhấn mạnh, Hà Nội cần có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng; đồng thời tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân.

tm-img-alt

Ngày 24/5, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối

Cụ thể, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Đồng thời nêu rõ, Hà Nội cần có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; đồng thời có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng; cũng như tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông.

Quy hoạch Thủ đô: Mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng
Bộ Chính trị nhấn mạnh, Hà Nội cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô.

Đặc biệt, Kết luận nhấn mạnh, Hà Nội cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hoà các không gian sinh thái, không gian văn hoá, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nội dung trên đây trong Kết luận của Bộ Chính trị nhằm nâng tầm giá trị của trục cảnh quan sông Hồng đã được khẳng định trong nhiều năm qua, nhấn mạnh thành phố cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô.

Cũng theo Kết luận, Hà Nội cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện giải pháp tổ chức thực hiện các quy hoạch, nhất là giải pháp khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển như mở rộng không gian phát triển thông qua xây dựng Vành đai 4, Vành đai 5 và các trục phát triển để khai thác hiệu quả quỹ đất; khai thác hiệu quả hơn nữa không gian trên cao và không gian ngầm; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá các quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hình thành nguồn tài nguyên số.

Ngoài ra, Hà Nội cần tính toán phương án chuyển đổi công năng trụ sở một số Bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hoá, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh...

Đồng thời xây dựng mô hình quận xanh, sinh thái thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước; tăng cường thêm các hành lang xanh, nêm xanh, thảm xanh để tăng diện tích đất xanh, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả trong khu vực nội thành, đặc biệt xanh hoá ở khu vực nội đô lịch sử.

Phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới.

Cùng với đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh Hà Nội cần làm rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hài hoà đô thị và nông thôn, hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn.

Kế thừa định hướng quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái; phát triển đô thị theo mô hình TOD, xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, tạo động lực phát triển, hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Kết luận cũng nêu rõ, Hà Nội tập trung xây dựng mô hình đô thị thành phố đặc trưng trong Thủ đô với các điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển mới; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực nội đô theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.

Xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hoá phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp.

Xây dựng thành phố phía Bắc sông Hồng, lấy Đông Anh làm hạt nhân

Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định cấu trúc không gian phát triển của thành phố gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.

Trong 5 trục không gian phát triển, trục sông Hồng được định hướng là trục chính. Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng. Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa, tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Quy hoạch Thủ đô: Mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng
Đông Anh được xác định sẽ là “hạt nhân” của thành phố phía Bắc sông Hồng. Ảnh: Người lao động

Ngoài ra, đây cũng là nơi giới thiệu cảnh quan đất nước, hình ảnh các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng thời, kết nối với khu vực Hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển đô thị đến năm 2045 trong Quy hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng thành phố phía Bắc sông Hồng có diện tích khoảng 633km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Đến năm 2045, quy mô dân số của thành phố này khoảng 3,25 triệu người.

Theo định hướng, Đông Anh được xác định sẽ là “hạt nhân” của thành phố phía Bắc sông Hồng. Đây sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của Sân bay quốc tế Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, đây là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm, kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.

Với ý tưởng xây dựng động lực cho “Thành phố vì hòa bình”, kết nối toàn cầu, thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ là trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Hà Nội xây dựng thành phố phía Bắc là trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học 4.0; tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cao, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cho một thiết chế xã hội bền vững, sử dụng năng lượng sạch.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường phân tích: "Với định hướng phát triển thành phố hai bên sông Hồng, việc quy hoạch, đầu tư phát triển thành phố phía Bắc sông Hồng là rất quan trọng để giúp Hà Nội hiện thực hóa việc phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội, không chỉ của vùng Đồng bằng sông Hồng, của cả nước, mà còn là cửa ngõ của Đông Nam Á".

Trong khi đó, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, thực hiện những chỉ đạo cụ thể trên của Bộ Chính trị, Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh hai đồ án quy hoạch, đặc biệt để đáp ứng những yêu cầu lần đầu tiên đặt ra. Thời gian tới, thành phố cần có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Quốc hội, nâng cao chất lượng đồ án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch Thủ đô: Mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tuấn Đông/Tạp chí Xây dựng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Bởi vì...em yêu anh
Miền quê ấy bỗng dưng yêu đến lạ//Cũng trời xanh... cũng mây trắng... nắng vàng///Mỗi chiều về... gió cũng cuốn xênh xang///Hoàng hôn xuống vạt nắng vàng nghiêng đỏ

Thương hiệu đồng hành