Thứ hai, 01/07/2024 12:06 (GMT+7)

Quảng Nam ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương

Trâm Anh -  Thứ năm, 27/06/2024 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 25/6/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 4691/KH-UBND về việc thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 28,7%

Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023.

Mục tiêu chung là nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Quảng Nam cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao.

Cụ thể: (i) Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 28,7%; (ii) Đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 15 - 16%/năm; (iii) Tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) khoảng 17%/năm; (iv) Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng; phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm về tái cơ cấu ngành Công thương

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm về tái cơ cấu ngành công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, trong tỉnh và Hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong đó, tập trung phát triển các nhóm dự án công nghiệp chủ lực: Mở rộng Khu phức hợp ô-tô Chu Lai-Trường Hải; phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, trong đó ưu tiên các lĩnh vực sản xuất sản phẩm hướng vào xuất khẩu, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm: công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano,... Phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển công nghiệp của tỉnh; Tập trung xây dựng triển khai các đề án phát triển công nghiệp: Đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp silica, Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, thúc đẩy hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cơ cấu các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; triển khai di dời các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực ven biển và đề xuất thành lập cụm công nghiệp di dời trên địa bàn tỉnh; đầu tư khu xử lý nước thải cho các CCN tại các địa phương và đề xuất mỗi địa phương một khu xử lý nước thải/cụm công nghiệp,...

Nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW, Quyết định số 500/QĐ-TTg, Quyết định số 893/QĐ-TTg và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII; Thường xuyên rà soát, cập nhật Phương án phát triển mạng lưới cấp điện cập nhật trong quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; Tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó, giai đoạn 2020-2025 đặt chỉ tiêu tiết kiệm 2% tổng sản lượng điện tiêu thụ.

UBND tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2030 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) tăng bình quân hằng năm khoảng 17%/năm. Trong đó, ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế số, thương mại điện tử...Xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong tỉnh đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, trong từng giai đoạn. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại, bảo đảm hoạt động thương mại phát triển lành mạnh, văn minh và bền vững. Xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và phát triển các trang thương mại điện tử của tỉnh (https://sanpham.quangnam.gov.vn/); kết nối các sàn trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 75%, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%. Thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với cam kết quốc tế. Tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số công tác quản lý thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các Hiệp hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao nhất.

Tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy hải sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử,..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. Giảm dần xuất khẩu đối với khoáng sản thô. Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử, hệ thống phân phối nước ngoài. Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao, các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu... nhằm khai thác tốt lợi thế về thuế tại các thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với giữ vững ổn định chính trị - xã hội; Thực hiện hội nhập kinh tế có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và của tỉnh như công nghiệp năng lượng, chế biến sâu nông - lâm thủy sản, công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường…Kết hợp hài hòa giữa hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh hội nhập bên trong theo hướng tập trung thực thi các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ gắn với nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa

UBND tỉnh đề ra 5 giải pháp thực hiện: Thường xuyên cập nhật, triển khai thực hiện nghiêm túc các thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người dân. Đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các cam kết quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo lập môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao; Huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương; Cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước của ngành Công Thương; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực công thương thuộc Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh phù hợp với quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững; Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành, bảo đảm phục vụ tốt cho việc theo dõi, giám sát và hoạch định chính sách phát triển ngành,...

UBND tỉnh yêu cầu kế hoạch phải phù hợp với các quan điểm, mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, Nghiên cứu, quán triệt, áp dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành công thương. Đề ra được những nhiệm vụ trọng tâm, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của ngành Công Thương; xây dựng những giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, khả thi để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các hoạch một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Nam ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới