Thứ tư, 28/08/2024 18:49 (GMT+7)

Quan tâm đầu tư, vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp

MTĐT -  Thứ tư, 17/07/2024 14:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 16 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, giao chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng, song, phần lớn trong số đó chưa được đầu tư xây dựng các hạng mục trong hạ tầng bảo vệ môi trường (BVMT).

Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, hạn chế sự đóng góp của các CCN vào sự phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), đòi hỏi tỉnh Vĩnh Phúc và các ngành chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

tm-img-alt
Cụm công nghiệp Hùng Vương - Phúc Thắng là một trong số ít các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ảnh: Chu Kiều

Cụm công nghiệp Hùng Vương - Phúc Thắng là một trong số ít các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ảnh: Chu Kiều

CCN làng nghề Tề Lỗ, huyện Yên Lạc được thành lập theo Quyết định số 3096 ngày 20/11/2012 và Quyết định số 1627 ngày 8/9/2022 của UBND tỉnh (đổi tên từ CCN thành CCN làng nghề) giao Trung tâm phát triển CCN huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư (nay là Ban Quản lý dự án xây dựng và Phát triển CCN huyện Yên Lạc), với các cơ sở kinh doanh thu mua tái chế phế liệu nhựa, sắt thép, máy móc, phương tiện cũ hỏng và một số loại hình kinh doanh khác; mặt bằng quy hoạch 25,03ha.

Đây cũng là một trong số ít những CCN đã đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chung của CCN (giao thông, điện, nước, trạm xử lý nước thải...); trong đó, trạm xử lý nước thải tập trung trong cụm đã được đầu tư và bàn giao từ năm 2015 với công suất 500 m3/ngày/đêm. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành chưa được 1 năm thì trạm xử lý nước thải dừng hoạt động từ đó đến nay.

Nguyên nhân do hệ thống thu gom nước thải và nước mặt của CCN chưa được tách riêng biệt, quá trình thu gom kéo theo nhiều bùn đất, chất rắn lơ lửng gây tắc nghẽn đường ống, hỏng máy bơm hút.

Bên cạnh đó, đến nay CCN này chưa có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.

Theo Sở Công thương, trong 16 CCN đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng trên địa bàn tỉnh, phần lớn chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung; một số CCN đã có trạm xử lý nước thải nhưng lại không hoạt động được.

Cụ thể, có 4 CCN đã có hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý nước thải (trong đó, CCN làng nghề Tề Lỗ công suất 500 m3/ngày/đêm, CCN làng nghề Yên Đồng công suất 250 m3/ngày/đêm hiện tạm dừng hoạt động; CCN Hùng Vương - Phúc Thắng công suất 500 m3/ngày/đêm, hiện hoạt động ổn định; CCN Đồng Sóc công suất 2.950 m3/ngày/đêm đang trong quá trình xin cấp Giấy phép môi trường để vận hành hệ thống xử lý nước thải theo quy định).

12 CCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải, các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư hoặc đang trong quá trình đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, trước thời điểm Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh còn 6 CCN được hình thành và chưa có chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng bao gồm CCN Hương Canh, CCN Thanh Lãng, CCN thị trấn Lập Thạch, CCN Tân Tiến, CCN Đại Đồng, CCN Việt Xuân và đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Khó khăn trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT - GPMB), chưa được giao đất được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các CCN, trong đó có các công trình, hạng mục BVMT như hệ thống thu gom, thoát nước, xử lý nước thải, cây xanh... chậm khiến hầu hết các dự án phải điều chỉnh, gia hạn tiến độ khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu vực này luôn ở mức cao.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc đầu tư, quản lý vận hành các công trình BVMT trong các CCN trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về cơ chế, chính sách phát triển CCN; thường xuyên đánh giá những khó khăn, vướng mắc đối với từng CCN hiện nay, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để giải quyết hiệu quả đối với những tồn tại, bất cập tại các CCN đã được thành lập.

Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng CCN, giải quyết tồn tại đối với các công trình trong hạ tầng BVMT và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT tại các CCN.

Tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý dứt điểm tồn tại về đất đai tại các CCN làng nghề Tề Lỗ, Yên Đồng.

Đề nghị tỉnh giao UBND các huyện, thành phố ưu tiên nguồn nhân lực, có kế hoạch cụ thể giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ BT - GPMB, sớm giao đất cho các chủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn...

Bạn đang đọc bài viết Quan tâm đầu tư, vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục

Tin mới