Thứ ba, 17/09/2024 02:15 (GMT+7)

Phú Thọ: Việc đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp còn chậm trễ, kéo dài

Trâm Anh -  Thứ sáu, 16/08/2024 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến nay, có 129 dự án trong các CCN đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 27.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư hạ tầng một số dự án CCN còn chậm trễ, kéo dài...

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. 

Nhằm phát triển các CCN bền vững, UBND tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương bám sát, nắm bắt tình hình, rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng CCN và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Kết cấu hạ tầng ngoài CCN được chú trọng đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Trên địa bàn tỉnh đã thu hút, mời gọi được một số nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CCN. Một số hạng mục công trình hoàn thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết yếu, phục vụ lộ trình đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp.

CCN Thanh Minh (thị xã Phú Thọ) do Công ty CP Tư vấn xây dựng và Xây lắp Phú Thọ làm chủ đầu tư với diện tích 24,2ha, tổng mức đầu tư dự án 114 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục đầu tư hạ tầng, CCN đã thu hút được 18 nhà đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 100%.

Ông Trần Tú Hải - Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng và Xây lắp Phú Thọ, chủ đầu tư CCN Thanh Minh chia sẻ: “Trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2019 - 2021, CCN Thanh Minh cũng gặp không ít khó khăn, song với sự quyết tâm của chính quyền địa phương cùng hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở đã tích cực vào cuộc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để có biện pháp GPMB hợp lý. Đến tháng 10/2021, đã hoàn thành công tác GPMB toàn bộ và bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp của các sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đến tháng 4/2022, toàn bộ 100% diện tích đất công nghiệp đã được phủ kín. Đến thời điểm hiện tại, CCN đã đi vào hoạt động ổn định”.

Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 27 CCN đã thành lập với tổng diện tích trên 1.445ha. Trong đó, 17 CCN đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động; 2 CCN đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 8 CCN đang thực hiện công tác bồi thường, GPMB và thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy... để đầu tư hạ tầng. Các CCN đã thu hút 175 dự án đăng ký đầu tư với 105 dự án vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng; 70 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 776 triệu USD.

Đến nay, có 129 dự án trong các CCN đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 27.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lấp đầy đạt trên 55%. Các dự án đầu tư tại các CCN làm tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần thu hút đầu tư hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư hạ tầng một số dự án CCN còn chậm trễ, kéo dài; hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ, nhiều hạng mục chưa được đầu tư. Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB, một số hộ dân không đồng tình với việc thực hiện dự án CCN, không nhất trí thực hiện công tác kê khai, kiểm đếm của chính quyền địa phương hoặc không thống nhất về đơn giá bồi thường giá trị tài sản, vật kiến trúc trên đất...

Nguyên nhân chậm tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư thứ cấp tại các CCN do ngân sách nhà nước địa phương hạn hẹp, không đủ khả năng bổ trí cho các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư (các đơn vị sự nghiệp cấp huyện).

Tại một số địa phương, sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn cấp huyện làm công tác GPMB và chủ đầu tư hạ tầng CCN chưa chặt chẽ; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa chỉ đạo sát sao, quyết liệt do đó ảnh hưởng đến thu hồi, giao đất cho chủ đầu tư CCN.

Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng khu tái định cư để bố trí hộ dân bị ảnh hưởng tại phạm vi xây dựng dự án CCN còn vướng mắc về cơ chế tài chính (chưa có quy định để chủ đầu tư ứng vốn cho Nhà nước để đầu tư hạ tầng khu tái định cư). Vì vậy, không thực hiện được di chuyển các hộ dân thuộc diện tái định cư để đầu tư hạ tầng CCN như: CCN Sóc Đăng, CCN Thục Luyện, CCN Bãi Ba 2...

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư thứ cấp tại các CCN, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công nghiệp là ngành quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương...

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi. Song hành với đó, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất sạch, quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nguồn lao động...

Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Công Thương, cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã và các tổ chức đoàn thể vận động Nhân dân thống nhất, ủng hộ thực hiện dự án đầu tư CCN trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, sớm thu hồi, giao đất cho các chủ đầu tư để đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN thường xuyên cập nhật kiến thức về thu hút đầu tư thứ cấp, cập nhật thông tin và thị trường bất động sản, xúc tiến đầu tư, định kỳ báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án vào hoạt động tại CCN, trên cơ sở đó các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mời gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư vào CCN nhằm đẩy nhanh tiến độ lấp đầy đất công nghiệp tại cụm.

Để thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, Sở Công Thương cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng phương án “Nhà nước đứng ra bồi thường, thu hồi đất, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất” hoặc “Đấu thầu dự án có sử dụng đất” để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại CCN nhằm thúc đẩy tiến độ GPMB, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước cho địa phương.

Sở cũng đã đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 32/2024/NĐ-CP, ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý phát triển CCN để các địa phương có cơ sở thực hiện thành lập, mở rộng CCN; chuyển đổi chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, phê duyệt quy chế quản lý CCN...

Bạn đang đọc bài viết Phú Thọ: Việc đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp còn chậm trễ, kéo dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

5 thầy trò cùng “Gặp gỡ mùa Thu”
"Gặp gỡ mùa Thu" là tên cuộc triển lãm nhóm của 5 Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên và Trần Trọng Đạt. Triển lãm sẽ khai mạc vào lúc 9 giờ ngày 20/9, kéo dài đến hết ngày 26/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.