Thứ năm, 19/09/2024 18:12 (GMT+7)

Nhật Bản đề cao cảnh giác trước một trận “siêu động đất”

An Đông -  Thứ tư, 14/08/2024 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hôm 12/8 tiếp tục kêu gọi người dân cảnh giác trước nguy cơ xảy ra "siêu động đất" ở rãnh Nankai ngoài khơi bờ biển Nhật Bản.

Tại một quốc gia có vị trí địa lý đặc thù như Nhật Bản, người dân nước này có thể nói là đã quá quen với tình huống xảy ra động đất khi Tokyo ghi nhận tới hàng chục nghìn trận động đất lớn nhỏ mỗi năm. Mặc dù vậy, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cơ quan này đưa ra cảnh báo toàn quốc về một trận "siêu động đất" tiềm tàng.

Đường đứt gãy Nankai ngoài khơi Nhật Bản kéo dài khoảng 900 km dọc theo bờ biển Thái Bình Dương. Do đó, Nhật Bản đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ kép động đất độ lớn từ 8 trở lên kèm sóng thần.

Cảnh báo được đưa ra đúng vào thời điểm người dân chuẩn bị lên đường để tận hưởng kỳ nghỉ lễ Obon. Tuy vậy, nhiều người dân - bao gồm cả những công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản - ngay lập tức đã sẵn sàng với những bước chuẩn bị nhỏ nhất từ chuẩn bị ba lô khẩn cấp cho tới định vị nơi trú ẩn công cộng đã được nhà chức trách địa phương bố trí sẵn.

Tại một công viên được sử dụng làm địa điểm lánh nạn khi có động đất, thiên tai xảy ra, có đầy đủ vật dụng thiết yếu để người lánh nạn duy trì trong vài ngày. Những kho dự trữ thực phẩm, thiết bị thiết yếu tại công viên này đều có người quản lý 24/24. Nhật Bản đã xây dựng Hệ thống cảnh báo tức thời quốc gia (J-Alert, hay còn gọi là hệ thống cảnh báo sớm) với 180 trạm theo dõi động đất và 80 thiết bị cảm biến đại dương để theo dõi động đất và sóng thần 24/24.

tm-img-alt
Ga đường sắt ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản thông báo về việc giảm tốc độ tàu sau cảnh báo về động đất hôm 9/8/2024

Ngày 13/8, nhiều chủ khách sạn cho biết cảnh báo siêu động đất của Nhật Bản đã khiến hàng nghìn người hủy đặt phòng khách sạn tại những khu vực được xác định có nguy cơ cao. Động thái này ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các công ty ở một trong những thời điểm du lịch nhộn nhịp nhất.

Theo một nghiệp đoàn khách sạn địa phương, tại thành phố miền Tây Kochi, một trong những khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nhất do động đất, ít nhất 9.400 người đã hủy đặt phòng khách sạn kể từ khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JWA) đưa ra cảnh báo hồi tuần trước.

Đại diện của nghiệp đoàn Susumu Nishitani cho biết các đơn đặt phòng từ ngày 9-18/8 bị hủy, gây thiệt hại khoảng 140 triệu yen (948.000 USD). Thông thường tất cả khách sạn và nhà trọ tại thành phố Kochi sẽ kín chỗ vào thời điểm này.

Đài NHK cho biết hàng nghìn khách hàng dự kiến hủy dịch vụ tại Dogo Onsen, một trong những suối nước nóng truyền cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng "Spirited Away" (tạm dịch: Vùng đất linh hồn) nổi tiếng của hãng phim hoạt hình Ghibli.

Tuần trước, JWA lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất xung quanh rãnh Nankai chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.

JWA dự báo siêu động đất với tâm chấn giả định thuộc rãnh thấp Nankai là nguy cơ tương đối cao hơn so với bình thường, không chỉ giới hạn trong khu vực xung quanh trận động đất lần này mà có thể mở rộng ở toàn bộ khu vực thuộc Rãnh thấp Nankai.

Nếu siêu động đất xảy ra, các đợt rung chấn mạnh có thể được ghi nhận trên một diện rộng từ vùng Kanto đến vùng Kyushu và sóng thần cao sẽ xuất hiện dọc theo bờ biển Thái Bình Dương từ vùng Kanto đến vùng Okinawa.

Cảnh báo động đất xảy ra đúng vào dịp nghỉ lễ Obon, một trong những kỳ nghỉ dài ngày của người dân Nhật Bản trong tháng Tám. Năm nay, kỳ nghỉ lễ được ấn định từ ngày 13-16/8 nhưng do ngày 10-11/8 là cuối tuần nên một số doanh nghiệp hoặc cơ quan cho nghỉ từ ngày 10/8 để tạo điều kiện cho người dân về quê thăm gia đình hoặc đi du lịch.

Truyền thông địa phương vừa đưa tin nhà chức trách dự kiến dỡ bỏ cảnh báo động đất lớn vào tuần này nếu không phát hiện hoạt động địa chấn bất thường.

Nhà nghiên cứu khí tượng Nhật Bản: Không có cơ sở khoa học về 'mây động đất'

Một chuyên gia khí tượng tại Nhật Bản nhấn mạnh rằng không có cơ sở khoa học nào cho cái gọi là "mây động đất" và kêu gọi mọi người thận trọng không nên lan truyền thông tin sai lệch, sau khi có những bài đăng trên mạng xã hội về sự xuất hiện của những đám mây như vậy sau trận động đất ngày 8/8 ngoài khơi tỉnh Miyazaki.

Trận động đất độ lớn 7,1 ngoài khơi tỉnh Miyazaki đã khiến Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất tại rãnh Nankai.

Có nhiều thông tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội như: "Tôi nghe nói rằng mây động đất xuất hiện trước động đất" hay "Có ba hàng mây động đất".

Theo ông Kentaro Araki, một chuyên gia về mây và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Khí tượng của JMA khẳng định không thể xác định ảnh hưởng của động đất bằng cách nhìn vào mây.

Theo chuyên gia Araki, mây được phân thành 10 loại, trong đó có đám mây cirrus, đám mây stratus và đám mây cumulonimbus, dựa trên độ cao, hình dạng và các yếu tố khác, và có hơn 400 loại nếu được phân chia theo độ trong suốt và các yếu tố khác. Trong số đó, mây máy bay và mây sóng sọc rõ ràng thường bị nhầm lẫn với mây động đất, nhưng ông khẳng định "khí tượng học có thể giải thích hình dạng và điều kiện của tất cả các đám mây thường được gọi là mây động đất".

Chuyên gia Araki cũng đăng trên tài khoản X ngày 8/8 rằng: "Mây không thể là dấu hiệu báo trước động đất".

Mây động đất đã trở thành một chủ đề mỗi khi xảy ra một trận động đất lớn. Từ năm 1983, sau trận động đất ngoài khơi tỉnh Akita, những tin đồn như vậy đã lan truyền, và báo Mainichi Shimbun khi đó đưa tin rằng JMA tuyên bố không có cơ sở cho những đám mây như vậy. Cơ quan này khẳng định rằng "không có lời giải thích khoa học nào ủng hộ việc mây địa chấn xuất hiện liên quan đến động đất".

Có thể thấy, kinh nghiệm quan trọng từ Nhật Bản qua các lần ứng phó thảm họa là việc nâng cao nhận thức của người dân và luôn sẵn các biện pháp phòng ngừa, dự trữ khẩn cấp, qua đó có thể giúp giảm bớt phần nào thiệt hại khi thảm họa xảy ra. Vì thế, những cuộc luyện tập chống động đất luôn được người dân xứ sở Mặt trời mọc tiến hành thường xuyên và nghiêm túc, từ trẻ nhỏ đến người già. 

Trước cảnh báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản về nguy cơ một trận "siêu động đất" xảy ra trong tuần này, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có thông báo đến cộng đồng người Việt và người lao động đang làm việc, sinh sống tại Nhật Bản. Các số điện thoại liên lạc khẩn cấp:

Ban quản lý lao động ngoài nước: +81.70.1479.6888

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản: +81.80.3590.9136

Bạn đang đọc bài viết Nhật Bản đề cao cảnh giác trước một trận “siêu động đất”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới