Thứ tư, 03/07/2024 22:48 (GMT+7)

Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Bình Minh -  Thứ sáu, 21/06/2024 08:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 21.6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.

tm-img-alt
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc và biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Giảm mức tù đối với người chưa thành niên

Trước đó, chiều 6/6, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Mục đích xây dựng dự án Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên;

Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Đáng chú ý, về hình phạt (Chương VII - Phần thứ ba), Dự thảo Luật quy định:

- Giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.

- Giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.

- Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm.

- Mở rộng đối tượng người chưa thành niên có thể bị phạt tiền và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Về các hình phạt cụ thể, mức hình phạt cao nhất và việc tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị mở rộng hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ.

Bạn đang đọc bài viết Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Sông Đế*
Dù không đế không vua///Vẫn có em: Hoàng hậu///Anh ngồi nhớ ngày xưa///Với muôn vàn yêu dấu.

Thương hiệu đồng hành