Thứ tư, 18/09/2024 15:17 (GMT+7)

Lào Cai tăng cường đảm bảo công tác y tế sau lũ

Trâm Anh -  Thứ bảy, 14/09/2024 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Thống kê của ngành Y tế Lào Cai cho biết, 13 trạm y tế của tỉnh này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đó có 3 trạm y tế chưa tổ chức khám chữa bệnh cho người dân là Trạm Y tế xã Quang Kim huyện Bát Xát, Trạm Y tế xã Cốc Lầu huyện Bắc Hà, Trạm Y tế xã Bản Cái huyện Bắc Hà. Chỉ đạo của ngành Y tế Lào Cai đó là, trước mắt ưu tiên sơ cấp cứu người dân bị nạn. Những người cần khám chữa bệnh, chuyển sang các trạm gần nhất hoặc phòng khám đa khoa khu vực hoặc bệnh viện huyện. Nhanh chóng tổ chức khắc phục thiệt hại. Ưu tiên phòng chống dịch sau lũ cho người dân.

10 Trạm Y tế bị ngập, nước hiện nay đã rút, công tác vệ sinh môi trường tại trạm đã xong và tổ chức khám chữa bệnh bình thường cho người dân được ngay.

Cũng theo Sở Y tế Lào Cai, có 2 bệnh viện bị thiệt hại nặng đó là BVĐK huyện Bảo Yên, nước lũ tràn ngập toàn bộ tầng 1 của bệnh viện. BV đã kịp thời tổ chức sơ tán người bệnh, di chuyển trang thiết bị, bảo vệ các thiết bị y tế có giá trị như: Máy CT Scanner, máy X- Quang.

BVĐK huyện Bảo Thắng bị ngập nước xung quanh hiện nay nước đã rút và tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh bình thường tại BV. Số Phòng khám đa khoa khu vực bị ảnh hưởng có 2 hiện đã khắc phục được và tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh bình thường.

Về phía nhân viên y tế, Theo BSCKII Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai, thống kê ban đầu cho thấy có 222 gia đình cán bộ y tế bị ảnh hưởng, ngập, sạt do cơn bão số 3, công đoàn ngành đang hỗ trợ giúp thầy thuốc yên tâm công tác.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người dân để khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa có Văn bản số 5022/UBND-VX yêu cầu sở, ngành, địa phương tăng cường đảm bảo công tác y tế ứng phó mưa lũ.

Theo đó yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức thực hiện trực 24/24 giờ, không để gián đoạn trong cộng tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong trường hợp có đông người bệnh đến đồng thời. Bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu và điều trị người bệnh mắc các dịch bệnh trong và sau mưa lũ.

Quán triệt nhân viên y tế thực hiện tốt nội quy, quy định của bệnh viện, nâng cao ý thức phục vụ, văn hóa ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị. Thăm hỏi, động viên người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.

Về công tác giám sát và đáp ứng dịch bệnh, chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, nhất là vùng có mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau cơn bão số 3, vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường.

Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống chín”, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành có liên quan, các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là, thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và phòng ban chuyên môn của huyện tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, xử lí kịp thời các ổ dịch, không để ổ dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Chủ động phối hợp với các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác giám sát bệnh gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ (bao gồm động vật, con người), báo cáo kịp thời để có các biện pháp sớm hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết Lào Cai tăng cường đảm bảo công tác y tế sau lũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới