Thứ sáu, 20/09/2024 06:12 (GMT+7)

Kiến trúc làng sinh vật cảnh phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học cho Việt Nam

MTĐT -  Thứ tư, 07/08/2024 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiêu đề gốc: Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam

Làng sinh vật cảnh (LSVC) là làng nghề sản xuất – kinh doanh sinh vật cảnh (SVC). LSVC quy tụ nhiều nghệ nhân lành nghề có kỹ thuật, nghệ thuật nuôi trồng SVC phong phú như trồng cây, dựng thế, tạo ra những sản phẩm cây trồng, bon sai độc đáo; nuôi động vật cảnh như chim cảnh, cá cảnh,… LSVC với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã đưa hoạt động nghề SVC thành ngành kinh tế xanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường nông thôn, cân bằng hệ sinh thái.

Phát triển LSVC gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp (DLNN) không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc. Việc tổ chức không gian kiến trúc LSVC phục vụ phát triển DLNN đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và triển khai thành công trên thực tế, mang lại nhiều giá trị kinh tế và quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia như Canada, Pháp, Hà Lan, Thái Lan, Nhật Bản…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá một số mô hình tổ chức không gian kiến trúc LSVC trên thế giới phục vụ phát triển DLNN, bài viết đề xuất một số bài học kinh nghiệm nhằm phát triển DLNN tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác các LSVC tại nước ta.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Kiến trúc làng Frelighsburg

Đặt vấn đề

Xuất phát từ một thú chơi tao nhã dành cho những người có điều kiện kinh tế khá giả, nuôi trồng SVC đã trở thành phong trào phát triển rộng rãi trong cuộc sống hôm nay. SVC rất đa dạng gồm thực vật, động vật, động vật thủy sinh, tĩnh vật cảnh,… là nguồn tài nguyên sinh vật phục vụ đời sống, văn hóa của con người, đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn liền với lịch sử phát triển của con người, có giá trị biểu tượng và giá trị thẩm mỹ của mỗi địa phương, mỗi dân tộc.

Tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, đã công nhận sản xuất – kinh doanh SVC là ngành nghề nông thôn [1]. Những giá trị văn hóa truyền thống cũng như sản phẩm SVC đặc trưng của LSVC chính là những yếu tố hấp dẫn, thu hút đối với khách du lịch.

DLNN được hiểu là loại hình du lịch cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. DLNN mang lại lợi ích về kinh tế, giáo dục và xã hội cho cộng đồng nông thôn.

Trên thế giới, DLNN đã phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước bắt đầu từ Châu Âu. Các nước đã có những chính sách về luật pháp, đầu tư tài chính, quy hoạch, thương mại và thu hút sự quan tâm của cộng đồng toàn xã hội vào phát triển DLNN. Qua thực tế đã chứng minh được DLNN có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa, xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn.

DLNN, tiếng anh là Agricultural tourism, danh từ này được thể hiện khác nhau ở một số nước, ví dụ như ở Canada là Agri Tourism, du lịch nông nghiệp; nước Mỹ là Homestead – du lịch trang trại, ở Pháp là Tourism de verdure – du lịch với cỏ cây, ở nước Nhật được gọi là Green Tourism – du lịch xanh, bởi mọi sản phẩm từ DLNN được trồng hữu cơ, sạch… DLNN tại mỗi nước có sự hình thành, phát triển và cách thức triển khai khác nhau. Tại Mỹ, hằng năm đều tổ chức các sự kiện lớn về DLNN. Ở Israel, DLNN được coi là một hình thức giáo dục bắt buộc cho trẻ em [2].

Khái niệm DLNN cũng khá đa dạng ở các khía cạnh nghiên cứu cũng như các quốc gia khác nhau. Mặc dù vậy, có sự thống nhất tương đối trong các định nghĩa khi cho rằng DLNN “Là việc con người thỏa mãn nhu cầu giải trí và an dưỡng thông qua việc sử dụng, thụ hưởng những giá trị vật chất, tinh thần liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khu vực nông thôn và những truyền thống, tập quán của nền nông nghiệp” [3].

Tại nước ta, DLNN đã và đang phát triển nhiều năm trở lại đây. Một số sản phẩm DLNN nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch như điểm du lịch làng nghề SVC Hồng Vân (Hà Nội); làng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Định); nông trường Mộc Châu (Sơn La); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao Đà Lạt (Lâm Đồng); vườn nho, táo, trang trại cừu, dê tại tỉnh Ninh Thuận…

Tham gia chuyến DLNN, du khách có thể lưu trú, hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng hộ gia đình hoặc trang trại, học hỏi truyền thống canh tác, quá trình chế biến, sản xuất và phân phối nông sản… Bên cạnh đó, du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra hoặc tham quan danh lam thắng cảnh và tìm hiểu văn hóa lịch sử làng quê. DLNN phát triển tạo điều kiện cho người dân tận dụng được giá trị kinh tế trực tiếp từ đồng ruộng, vườn tược, làm gia tăng sức tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người đến với du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức không gian kiến trúc các LSVC tại nước ta phục vụ hoạt động DLNN còn tồn tại những bất cập như: Không gian công cộng, không gian nhà ở, không gian mặt nước, không gian ngoài nhà, đón tiếp, ăn uống, lưu trú, để xe, khu vực chế biến, sản xuất hàng hóa, … chưa phát huy hết tiềm năng cũng như chưa đáp ứng nhu cầu du khách, thiếu tính hệ thống phục vụ du lịch, kết nối giữa các LSVC nói riêng và các làng nghề nước ta nói chung.

Vì vậy, tiếp thu những kinh nghiệm phát triển DLNN tại một số nước trên thế giới là điều rất quan trọng với Việt Nam, góp phần hạn chế những tồn tại và phát huy những thế mạnh tại các LSCV nước ta hiện nay. Thông qua phân tích, đánh giá tình hình tổ chức không gian LSVC một số nước trên thế giới, bài viết rút ra bài học kinh nghiệm cho việc tổ chức không gian kiến trúc các LSVC nước ta đáp ứng phục vụ phát triển DLNN bền vững.

Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục tiêu của đề tài như tổng hợp, phân tích, đối chiếu, so sánh.

Kiến trúc LSVC phục vụ phát triển DLNN trên thế giới

Tại một số nước Châu Âu

Tại Canada

Canada là nước sớm nhất công bố những đạo luật để kích thích DLNN. Từ năm 1961, nước này đã quy hoạch đất nông nghiệp và chỉ rõ những loại tài nguyên thích hợp để sử dụng cho mục đích giải trí ngoài trời. Dựa vào đó, các địa phương sẽ có những chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội. Canada đã phát triển mạng lưới các tour DLNN tại các làng làm nông nghiệp cũng như liên kết giữa các làng ở các vùng nông thôn khác nhau. Các tour DLNN được quảng bá rộng rãi với đầy đủ các thông tin về chương trình, khu lưu trú, cảnh quan đẹp, các hoạt động nông nghiệp như triển lãm, hội chợ nông sản…

DLNN đã phát triển mạnh mẽ tại các khu vực nông thôn của Canada. Frelighs-burg là một ví dụ về ngôi làng khai thác thành công DLNN. Nằm trong số những ngôi làng đẹp nhất của Quebec, Frelighsburg tọa lạc dưới chân Núi Pinnacle, bên bờ sông Pike, gần biên giới Vermont. Ngôi làng đã được những người Mỹ trung thành định cư vào cuối thế kỷ 18.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Một số hình ảnh ngôi làng Frelighsburg [5]a) Nhà thờ Saint – François d’Assiseb) Kiến trúc ngôi nhà với hàng hiên rộng và sân vườn.c) Nhà máy rượu vang Domaine Pinnacled) Vườn trồng táo xung quanh làng Frelighsburg

Quy hoạch ngôi làng theo trục đường giao thông chính. Trung tâm cộng cộng nằm tại vị trí giữa làng. Điểm nhấn trong cấu trúc không gian của ngôi làng là những nhà thờ Anh giáo (1880) và Công giáo (1883) có ngọn tháp cao. Các công trình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, triển lãm, chợ, trường học… nằm dọc hai bên trục chính của làng.

Phía Tây ngôi làng là nhà máy đá, một di tích lịch sử nổi tiếng được xây dựng ở ven sông vào năm 1839. Xung quanh thung lũng là khu vực trồng táo với nhiều quán rượu và vườn cây ăn trái rải rác khắp vùng nông thôn. Kiến trúc các ngôi nhà và khuôn viên vẫn giữ nguyên vẹn phong cách Trung thành – Loy-alist style với vật liệu xây dựng kết hợp giữa gỗ và gạch. Các khoảng không gian mở thông phòng kết nối với hiên nhà lớn và sân vườn xung quanh.

Không gian sản xuất nông nghiệp của làng chủ yếu là mô hình trang trại và các vườn nho kết hợp nhà máy sản xuất rượu vang. Nông trại và nhà máy độc lập, tách biệt khu dân cư.

Trải qua thời gian, không gian làng và các công trình kiến trúc vẫn giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa và lịch sử. Du khách đến Frelighsburg tham quan các công trình kiến trúc cổ, chiêm ngưỡng cảnh đẹp và trải nghiệm cuộc sống nông dân đích thực ở các trang trại, tham quan nhà kính trồng thực vật, tìm hiểu dây chuyền sản xuất nông sản từ đồng ruộng đến xưởng chế biến sản phẩm. Nhà máy rượu vang, vườn, nông trại, cửa hàng đặc sản và cửa hàng quà tặng… là các điểm đến yêu thích của du khách khi tham gia DLNN ở Frelighsburg.

Tại Hà Lan

Làng Beemster ở Hà Lan cách Thủ đô Amsterdam khoảng 30 km về phía Bắc. Ngôi làng được UNESCO công nhận là vùng đất lấn biển đầu tiên có đất đai màu mỡ phù hợp phát triển nông nghiệp như trồng hoa tulip, rau củ quả, chăn nuôi cừu, bò sữa… Ngôi làng được xây dựng theo dạng hình học, phát triển theo các nguyên tắc quy hoạch cổ điển và Phục hưng. Các con đường và dòng nước chạy từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, với các tòa nhà dọc theo các con đường, tạo nên một hệ thống các kênh đào và đường đi song song với nhau. Các con đường rợp bóng cây xanh. Các lô đất được nối với nhau bằng kênh thóat nước và đường vào.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Ngôi làng Beemster hơn 400 tuổi với những hàng cây xanh đều tăm tắp và những cánh đồng hoa tulip như dải lụa khổng lồ. Nguồn: Lips Phạm

Khu dân cư tập trung ở giữa làng. Kiến trúc những ngôi nhà được xây bằng một trong hai loại gạch đỏ hoặc nâu. Chúng thường mở nhiều cửa sổ (có từ 20 đến 30 chiếc cửa sổ) và đặc biệt không có ban công. Quanh nhà trồng rất nhiều loại hoa. Người dân thường chăm chút cho khu vực hàng rào, cổng, lối đi vào nhà, tường nhà và khu vực vui chơi, hiên nhà nhỏ xinh của gia đình.

Bên ngoài khu dân cư là các trang trại và cánh đồng hoa tuy-lip trải rộng, dài, thẳng tắp. Trang trại có đặc điểm là mái nhà kho được nâng lên và phát triển thành hình kim tự tháp. Đơn vị mô-đun hình học của trang trại có đế hình vuông điển hình tương ứng với hình dạng của vùng đất lấn biển. Ở đây đa phần là trang trại tư nhân, họ trồng hoa tulip để xuất khẩu đi khắp các nơi trên thế giới.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Hình 4. Hệ thống kênh đào ở làng Beemster [6]

Đến nay, ngôi làng vẫn bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan nông nghiệp được sắp xếp hợp lý, có trật tự, gồm các cánh đồng, đường sá, kênh rạch, đê điều và khu định cư. Giao thông kết nối giữa các khu vực rất thuận tiện, có những tuyến xe bus đi qua làng, đưa du khách đến tham quan những cánh đồng hoa tulip. Du khách đến đây có thể được trải nghiệm nhiều dịch vụ của tư nhân như thăm ruộng hoa, trang trại nuôi bò sữa, trải nghiệm chăm sóc hoặc mua cây giống về trồng và học cách làm pho mát cùng nông dân…

Ngôi làng Beemster là một kiệt tác của quy hoạch sáng tạo cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên mô hình lưới và bố cục hình học giữa các khu vực kể từ khi ngôi làng được xây dựng. Cảnh quan không hoàn toàn thay đổi theo thời gian. Các di tích và khu bảo tồn được cung cấp kinh phí để bảo trì kiến trúc thường xuyên. Chính nhờ vào tổ chức không gian của làng cũng như sự phát triển của các trang trại đã thúc đẩy DLNN mạnh mẽ.

Tại một số nước trong khu vực

Tại Thái Lan

Ban Rak Thai là ngôi làng vùng cao thuộc tỉnh Mae Hong Son, miền Bắc Thái Lan, nằm sát biên giới Myanmar, cách TP Chiang Mai khoảng 250 km. Ngôi làng là nơi sinh sống của hơn 1.000 người, chủ yếu là người Hoa từ Vân Nam và người Thái gốc Hoa. Ngôi làng nằm ở độ cao 1.776 m so với mực nước biển, bên trong thung lũng, có hồ nước và bao quanh bởi những rừng đồi chè, khí hậu mát mẻ quanh năm.

Ngôi làng được quy hoạch bài bản, các công trình công cộng, khách sạn được xây dựng mới với phong cách gần gũi thiên nhiên, hòa vào cây cối um tùm. Dọc theo hồ nước là các quán trà, cà phê, nhà hàng… Đường nhỏ lát đá, gỗ. Kiến trúc nhà cổ, chùa cổ được bảo tồn rất tốt. Những ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc nhà cổ Trung Quốc, từ bùn và rơm kết hợp, phần mái vuốt nhọn, treo lồng đèn đỏ. Trước mỗi nhà đều có khoảng sân nhỏ để ngắm cảnh hay thưởng thức trà. Xung quanh các ngôi nhà là các vườn chè và đồn điền chế biến các sản phẩm từ trà.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Cảnh quan Làng Ban Rak Thai với những ngôi nhà giữa đồi chè soi bóng xuống mặt hồ. Nguồn: Chiangmaitraveller

Làng Ban Rak Thai, Thái Lan với địa hình đồi núi đã trở nên nổi tiếng với cảnh đẹp tự nhiên và lối kiến trúc hòa mình với thiên nhiên. Các công trình xây dựng dọc theo sườn núi. Nghề trồng chè và các sản phẩm từ chè của người dân địa phương đã thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến tham quan ngôi làng và trải nghiệm những sản phẩm nông nghiệp.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Những ngôi nhà dọc theo sườn đồi được xây dựng theo kiến trúc nhà cổ Trung Quốc, với vật liệu từ bùn và rơm. Nguồn: Mae Hong Son Org

Tại Nhật Bản

Làng Bonsai Omiya ở TP Saitama là một trong những làng trồng bonsai nổi bật nhất Nhật Bản. Đây là vùng có nguồn nước sạch, đất đai sẵn có và thổ nhưỡng thuận lợi ươm trồng cây cảnh. Ngôi làng được hình thành từ năm 1925. Tổ chức không gian làng được quy hoạch rõ ràng, mạch lạc theo dạng ô bàn cờ. Các công trình tiện ích dịch vụ đầy đủ như nhà hàng, siêu thị, bảo tàng, bãi đỗ xe… Trung tâm làng là những ngôi nhà với mảnh vườn ươm cây cảnh lớn. Xung quanh có nhiều ngôi nhà và vườn ươm nằm dọc theo những con đường.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Bản đồ làng Bonsai Omiya, Nhật Bản

Những ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc cổ, chủ yếu sử dụng vật liệu gỗ thân thiện với môi trường. Mỗi ngôi nhà đều được xây khá thấp, chỉ một đến hai tầng có khoảng sân vườn kết nối với thiên nhiên xung quanh. Ngôi nhà được thiết kế đều có không gian sinh hoạt chung. Các không gian bên trong được kết nối bằng những chiếc chiếu Tatami. Hiên nhà được thiết kế bao quanh làm lối đi chính dẫn đến tất cả các phòng. Mỗi không gian chức năng đều không có quá nhiều đồ đạc, hoa văn họa tiết phức tạp. Các ngôi nhà trong làng thường có một bộ sưu tập cây cảnh trong vườn. Không gian sống yên bình với cây cỏ và hồ nước. Một số ngôi nhà trong làng có khu vực nghỉ ngơi miễn phí cho khách tham quan làng nghề.

Trong làng còn có rất nhiều ngôi nhà với những vườn cảnh đẹp như Kyuka-en, Fuyo-en… Chủ sở hữu vườn bán cả chậu cây cây Shohin – những cây cảnh nhỏ bé được trồng trong chậu, có thể nằm gọn trong lòng của một bàn tay. Đi xuống cuối con đường từ ga tàu Omiya-koe là Toju-en, một vườn cây Bonsai với rất nhiều cây đẹp. Vườn có các lớp dạy Bonsai trong suốt cả tuần.

Bảo tàng Nghệ thuật cây cảnh Omiya nằm phía Bắc ngôi làng, trưng bày các kiệt tác nghệ thuật Bonsai, lịch sử và các món đồ liên quan đến bonsai… Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại đây là các tác phẩm đang trong quá trình nuôi trồng. Du khách có thể tìm hiểu cách tạo hình cây và tham gia cắt tỉa trong quá trình phát triển của chúng. Bảo tàng là nơi lưu trữ thông tin liên quan đến lịch sử và văn hóa của loại hình nghệ thuật bonsai, là trung tâm cộng đồng tổ chức các hội thảo, triển lãm và lễ hội liên quan đến cây cảnh bonsai.

Bên cạnh bảo tàng là vườn cảnh Mansei-en, thuộc sở hữu của dòng họ Kato từ thế kỷ 19. Những cây Bonsai kiệt tác được trưng bày cùng phụ kiện như chậu và đá bên trong toà nhà. Ngay gần vườn cảnh Mansei-en là vườn Seikou-en trưng bày một trong những bộ sưu tập cây Bonsai đẹp nhất của Omiya. Nơi đây trưng bày Saika là hoa sắp xếp từ cây có rễ, có đôi chút pha lẫn giữa Bonsai và Ikebana – nghệ thuật cắm hoa.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Kiến trúc ngôi nhà ở bốn mùa – Bonsai House of Four Seasons có khu vực nghỉ ngơi miễn phí cho khách tham quan làng nghề

Làng Bonsai Omiya, Nhật Bản được quy hoạch đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng, nhà ở. Bảo tàng Nghệ thuật Cây cảnh Omiya và những khu vườn cảnh là điểm nhấn đặc trưng phục vụ phát triển DLNN nơi đây.

Kiến trúc làng sinh vật cảnh một số nước trên thế giới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học kinh nghiệm tại Việt Nam - Tạp chí Kiến Trúc
Vườn ươm cây cảnh trong làng Bonsai Omiya

Kết quả phân tích cho thấy việc tổ chức không gian kiến trúc phục vụ DLNN của các nước trên thế giới được quy hoạch theo các phong cách khác nhau, thể hiện rõ đặc trưng vùng miền. Kiến trúc làng Frelighsburg ở Canada và Ban Rak Thai ở Thái Lan đã tận dụng địa hình đồi núi, xây dựng các công trình hòa mình với thiên nhiên. Vùng đất lấn biển Beemster ở Hà Lan được quy hoạch theo nguyên tắc hình học và bố cục hợp lý giữa các khu vực, bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan thiên nhiên.

Làng Bonsai Omiya, Nhật Bản có địa thế bằng phẳng, gần đô thị được quy hoạch đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng, nhà ở. Cấu trúc không gian và đặc điểm kiến trúc công trình có sự quản lý chặt chẽ về quy hoạch và quy định chung để duy trì phát triển DLNN bền vững. Sự hiện diện của công trình kiến trúc và các hình thức kiến trúc phục vụ DLNN mang đặc điểm riêng, chứa đựng lịch sử, văn hóa dân tộc, có tinh thần nơi chốn cũng như tinh thần của cuộc sống đương đại.

Bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức không gian kiến trúc các LSVC phục vụ phát triển DLNN tại Việt Nam

Từ nhận xét chung nêu trên, cho thấy DLNN đã đem lại giá trị văn hóa, kinh tế cho mỗi Quốc gia cũng như quảng bá hình ảnh mỗi vùng miền đến du khách trên thế giới. Kinh nghiệm tổ chức không gian kiến trúc làng phục vụ phát triển DLNN trên thế giới cho thấy tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng mà các quốc gia có đồ án quy hoạch và lựa chọn hoạt động nông nghiệp phù hợp bản chất, đặc trưng của vùng miền. Cách thức triển khai DLNN mỗi quốc gia đều tùy thuộc vào bản chất và đặc trưng các loại hình tài nguyên để đưa ra các sản phẩm DLNN kết hợp giữa sinh thái, lịch sử – văn hóa và sự tham gia của cộng đồng. Việc tổ chức không gian kiến trúc LSVC phục vụ phát triển DLNN ở mỗi quốc gia hay vùng miền đều phải có chính sách của Nhà nước, định hướng quy hoạch và sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Tại nước ta hiện nay, việc tổ chức không gian LSCV phục vụ phát triển DLNN chưa có quy hoạch đồng bộ. Chủ yếu DLNN phát triển tại các làng có nghề truyền thống và không gian văn hóa được hình thành từ lâu đời. Không gian nông nghiệp thường ở phía bìa làng, quy mô ngày càng bị thu hẹp, cơ sở hạ tầng chưa được kết nối đồng bộ với các điểm dân cư. Vì vậy từ quá trình phát triển DLNN ở một số quốc gia trên thế giới có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Quy hoạch không gian làng: Quy hoạch phát triển LSVC gắn với DLNN phải được tiến hành đồng thời với quy hoạch chung của vùng, địa phương trên nguyên tắc bền vững, tôn trọng và giữ gìn cảnh quan tự nhiên. Không gian làng được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, phù hợp điều kiện tự nhiên, địa hình, bảo tồn sinh thái. Tổ chức phân khu chức năng rõ ràng, đảm bảo quy mô. Các không gian sản xuất nông nghiệp, thương mại – dịch vụ – du lịch độc lập với khu ở, an toàn vệ sinh môi trường. Khu dân cư kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng với các khu vực xung quanh, giao thông thuận tiện.

Tổ chức không gian công cộng, nhà ở: Không gian công cộng được tổ chức tại vị trí trung tâm làng. Không gian mở, công viên, quảng trường rợp bóng cây xanh tạo điểm nhấn cảnh quan không gian làng. Kiến trúc nhà ở phù hợp khí hậu, mang đặc trưng bản sắc văn hóa và phong cách kiến trúc địa phương. Khuôn viên nhà rộng rãi có sân vườn trồng cây. Các công trình kiến trúc xây mới phải đảm bảo hài hòa với các công trình kiến trúc cũ và không gian chung của làng.

Kết nối mạng lưới sản phẩm DLNN: Mỗi làng xây dựng sản phẩm đặc thù. Kết nối giữa các làng có hoạt động nông nghiệp tạo thành chuỗi sản phẩm DLNN. Du khách có thể lựa chọn tham quan trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp và tham quan các di tích lịch sử, không gian văn hóa xung quanh khu vực. Ở lại nhà dân hoặc lưu trú tại các khách sạn. Truyền thông cung cấp đầy đủ thông tin các sản phẩm, chương trình và các chuyến du lịch liên kết giữa các làng.

Chính sách phát triển của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng: Nhà nước có các chính sách quy hoạch đất nông nghiệp và chỉ rõ những loại tài nguyên thích hợp phát triển DLNN. Dựa vào đó, các địa phương sẽ có những chương trình hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội cùng với sự tham gia của cộng đồng gồm chính quyền, nhà doanh nghiệp tổ chức du lịch, các tổ chức xã hội và người dân địa phương.

Kết luận

Phát triển DLNN tại các LSVC góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Để tổ chức không gian kiến trúc LSVC phục vụ phát triển DLNN hiệu quả cần chú trọng và quan tâm đến bốn bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Đó là quy hoạch không gian kiến trúc phải hoàn chỉnh, thống nhất, phù hợp với điều kiện tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái; tổ chức không gian công cộng, thương mại, dịch vụ như nhà hàng, khu lưu trú, nhà ở,… thuận tiện, đáp ứng nhu cầu du khách; kết nối mạng lưới sản phẩm DLNN đặc trưng nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, di sản kiến trúc của mỗi vùng miền, địa phương; phát triển DLNN tại các LSVC cần có chính sách, định hướng, chủ trương, nguồn vốn của Nhà nước và sự quan tâm vào cuộc của các bên liên quan như các cấp chính quyền, ban ngành địa phương, các tổ chức doanh nghiệp, các nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư.

Việc tổ chức không gian kiến trúc LSVC nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng xanh và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng phục vụ DLNN bền vững là hết sức cần thiết.

ThS.KTS Nguyễn Thị Phương Anh 
Bộ môn Kiến trúc, Khoa Tạo dáng Công nghiệp,
Đại học Mở Hà Nội

Tài liệu tham khảo

[1] Chính phủ (2018) – “Nghị định về phát triển ngành nghề nông thôn” – Số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018, Hà Nội.

[2] Thu Hòa (2019) – “Phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam” – Tạp chí con số và sự kiện, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[3] Ngô Thị Phương Lan, Trần Anh Tiến, Hoàng Ngọc Minh Châu (2020) – “Du lịch nông nghiệp – Từ kinh nghiệm ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến sự phát triển tại huyện Yeongdong, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc” – Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ – Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), 4(2), 365-375.

[4] Nguyễn Đình Thi (2019) – “Tổ chức không gian kiến trúc làng nghề truyền thống tiểu vùng nam Đồng bằng sông Hồng” – Tạp chí Kiến trúc số 05-2019.

[5.] WikipediA. Frelighsburg, https://en.wikipedia.org/wiki/Frelighsburg

[6] UNESCO World Heritage Convention. Droogmakerij de Beemster (Beemster Polder), https://whc.unesco.org/en/list/899/

[7] Fahrijah Bt. Faisala, Muhammad Nur Latif (2012). Design and Character of Ar-chitecture of the Agro-Tourism Site in Indonesia and Malaysia. International Conference on Social Sciences and Humanities UKM 2012(ICOSH-UKM 2012). https://core.ac.uk/download/pdf/25496995.pdf

Bạn đang đọc bài viết Kiến trúc làng sinh vật cảnh phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và bài học cho Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Tin mới