Thứ bảy, 29/06/2024 22:23 (GMT+7)

Hành trình leo núi của tôi

MTĐT -  Thứ tư, 26/06/2024 08:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phải mất một tháng sau tôi mới chính thức chinh phục đỉnh ngọn núi cao nhất của dải núi Nham Biền huyền thoại, một đỉnh cao mang tên núi Ông Lao (có truyền thuyết gọi là núi Ông Đống).

Anh họ Trần, tên Lạng. Anh khác họ với tôi nhưng chúng tôi coi nhau như anh em trong nhà đã hơn 30 năm có lẻ, lớn hơn tôi chừng 5 tuổi nên tôi luôn coi anh là bề trên, hơn nữa anh còn là bậc thầy của tôi về nghề bảo tàng, anh luôn thể hiện độ lượng và chỉ bảo cho tôi biết những điều hay lẽ phải…

Một hôm anh nói với tôi “anh thấy chú có nhiều bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường lại đau khớp uống thuốc mãi không khỏi, có lẽ chú cần phải theo anh đi leo núi mới có cơ may khỏi bệnh…” tôi không dám phản đối nhưng cũng suy nghĩ rằng leo núi mà khỏi bệnh thì cũng là lạ, thấy tôi đang lưỡng lự thì anh lại nói “Leo núi sẽ rất mệt nhưng chú kiên nhẫn rồi sẽ quen và khỏi bệnh, nếu không phản đối thì 2h chiều mai chú bắt đầu theo anh lên núi xem sao?” Tôi nghĩ xưa nay những điều anh bảo tôi có sai bao giờ đâu, và rồi tôi đã đồng ý theo anh vào núi…

tm-img-alt
Tác giả Hoàng Minh Hồng

Hôm đó là một ngày hè oi ả, anh em tôi đi đến chân núi Nham Biền và gửi xe ở nhà dân, cả đoàn người leo núi cũng có mặt đúng giờ không ai bảo ai, họ nối theo nhau trèo dốc, anh Lạng bảo tôi đi trước để anh đi sau nếu có gì còn hộ tống… xời ơi dốc cao dựng đứng mà đoàn người leo thoăn thoắt, người đi sau chỉ chạm trán vào gót chân người đi trước, ngoảnh đi ngoảnh lại họ đã ở tít trên cao bỏ lại tôi đang bò từng bước ở chân núi với điệu bộ mồm mũi tranh nhau thở, thấy vậy anh Lạng động viên tôi “họ đi nhanh mặc kệ họ, chú cứ đi từ từ anh khắc chờ” và tôi lại tiếp tục leo từng bước, từng bước ì ạch rồi lại nghỉ, khi đã lên lưng chừng con dốc thứ nhất tôi liền ngồi phệt trên hòn đá to để thở, một lúc lâu sau anh Lạng lại bảo “cứ vừa đi vừa nghỉ không làm gì phải vội”.

Rồi lại đi, lại bò, lại trèo… cứ như vậy cuối cùng tôi cũng leo được lên đỉnh con dốc thứ nhất, chân tay người ngợm mỏi rã rời, tôi nói với anh Lạng là anh cứ đi tiếp đi, còn em không thể đi được nữa đâu xuống thôi, anh Lạng nói “thôi buổi đầu leo thế thôi cũng được chú xuống đi cẩn thận nhé”. Xời ơi cứ tưởng leo lên là khó hóa ra xuống dốc càng khó hơn, tôi phải dùng gậy chống từng bước mà suýt ngã mấy lần và sau này đi nhiều tôi mới nhận ra rằng… leo lên nếu trượt chân còn có thể chống tay nên nó không nguy hiểm, nhưng xuống dốc mà ngã là nguy, bởi vì nó luôn ở tư thế bềnh càng ngã ngửa khó gượng…

tm-img-alt

Về nhà đêm đó tôi ngủ say tít mù, ngủ sâu giấc như thời niên thiếu, và rất sảng khoái sau khi thức dậy, mặc dù vậy cho tới 3 ngày sau tôi mới lại dám vào núi để leo tiếp. Lần này tôi may mắn được làm quen với anh Lợi, là bác sỹ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đã nghỉ hưu, anh cũng là người gần như đại diện cho những người ở thành phố Bắc Giang hưởng ứng phong trào leo núi trên dải Nham Biền, Yên Dũng. Gặp tôi lúc đầu anh đã hỏi “ông sinh năm bao nhiêu?” tôi bảo tôi sinh năm 1958, anh lại bảo “thế thì bằng tuổi với tôi, cũng là tuổi con Tuất đấy, ông có biết nhà thơ Tú Mỡ từng có thơ vịnh về con tuất thế nào không” tôi bảo có nhưng quên rồi, anh liền cao giọng đọc:

“Quanh quanh đằng đít lại đằng đầu
Hễ thấy khách vào sủa gâu gâu
Khi ngủ với vợ thì phải đứng
Quanh năm chẳng được ngụm trà tàu”.

Cả đoàn đều ôm bụng cười quên cả mệt! Anh Lợi có óc hài hước, lại làm bác sĩ, anh thường dẫn dắt nhiều người leo núi tăng cường sức khỏe, trên đường dốc hôm nay cùng tôi anh cũng giảng giải về tác dụng của việc leo núi, tuy mệt nhưng tôi vẫn cố theo kịp anh để nghe… theo anh thì leo núi là môn đặc biệt, là hoạt động rèn luyện nâng cao sức khỏe tốt, vận động toàn cơ thể giúp hệ cơ giãn tới mức cao, đặc biệt là cơ vai, cơ chân, cơ đùi và cơ bắp tay.

Ngoài ra leo núi giúp cho hệ tuần hoàn máu và tim mạch lưu thông, vì vậy hoạt động leo núi sẽ giúp ta tránh được các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao và đột quỵ v.v… và lần này tôi cũng đã leo được lên tới đỉnh ngọn núi thứ 2, nghĩa là ngọn núi cao hơn so với ngọn núi thứ nhất mà tôi leo lần đầu. Tuy vậy lần này tôi vẫn phải dừng nghỉ 3 ngày vì leo quá sức sinh đau chân, đau toàn thân, khiến tôi không thể tiếp tục…

Những lần leo núi tiếp theo tôi lại được làm quen với anh Đoàn Hân, anh là bác sĩ và là giảng viên trường y Bắc Giang, nhìn điệu bộ của tôi, anh từ tốn nói với tôi những lời thông cảm mà rằng “cách đây 5 năm tôi nặng 75kg và đã từng đột quỵ do biến chứng tiểu đường!

Sau khi hồi phục tôi cũng được anh em động viên đi leo núi, ban đầu tôi cũng phải bò vì không thể theo kịp các vị ấy sau dần dần tôi được anh em hướng cách đi bước ngắn và thật chậm, cứ mỏi lại nghỉ mà đứng nghỉ chứ không được ngồi, vì ngồi sẽ bị nhão cơ sau càng mệt, cứ túc tắc như vậy mà đi sẽ tạo sức bền dẻo dai tạo plank, squat, lunge và yoga tăng cường sinh lực khắc phục nhược điểm của cơ thể do áp lực của tôi tác, hay căng thẳng từ cuộc sống” và anh Hân cũng vui tính nói với tôi rằng “trước đây tôi cân nặng 75kg, bệnh tiểu đường tim mạch và đột quỵ, nhưng từ khi leo núi cách đây 5 năm tôi đã giảm còn 60kg, các bệnh huyết áp cũng không còn nữa, đặc biệt là bệnh tiểu đường đã trở về mức 6-7 chấm mà không cần uống thuốc tây, ngoài ra, do tích cực leo núi đã khiến cho cái bụng mỡ cũng tiêu hao đi và mỗi khi biểu diễn cái món kia cũng vì thế mà linh hoạt làm cho chị em phấn khởi hơn ha ha ha! Thật là vui… cũng vì vậy mà tôi đã bám đuổi theo đoàn lên tới đỉnh núi thứ 3 gió lộng.

Phải mất một tháng sau tôi mới chính thức chinh phục đỉnh ngọn núi cao nhất của dải núi Nham Biền huyền thoại, một đỉnh cao mang tên núi Ông Lao (có truyền thuyết gọi là núi Ông Đống).

tm-img-alt
Đứng trên đỉnh độ cao 300m này ta phóng tầm mắt thấy phong cảnh kỳ vĩ lạ thường, sơn thủy hữu tình thơ mộng đẹp tươi...

Đứng trên đỉnh độ cao 300m này ta phóng tầm mắt thấy phong cảnh kỳ vĩ lạ thường, sơn thủy hữu tình thơ mộng đẹp tươi, ở đây tôi đã gặp một ông lão kỳ lạ đang xếp bằng ngồi thiền tĩnh lặng trước nắng gió của núi rừng, không ai khác đó là Vũ Huy Ba, là nhà báo, ông cũng là nhà nghiên cứu khoa học, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách nghiên cứu về sinh lý học con người, hàng ngày ông đều leo núi lên độ cao này để ngồi thiền luyện yoga khí công, có lẽ vì vậy mà tốc độ leo núi của ông ít ai theo kịp, nhìn bước đi của ông chậm chạp uyển chuyển nhưng thân hình ông lướt nhanh ngược dốc.

Năm nay Huy Ba sắp sửa bước sang tuổi 80 mà cơ bắp vẫn săn chắc khỏe mạnh, tôi hỏi ông, ngoài việc leo núi và luyện yoga ở trên núi, còn ở nhà ông thực hiện chế độ sinh hoạt thế nào để đảm bảo sức khỏe bền bỉ tuyệt vời như vậy? ông tươi cười mà rằng “ở nhà hàng ngày tôi luôn thực hiện đúng lời răn dậy của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác truyền lại…

Bình minh nhất trản trà
Bán dạ tam bôi tửu
Thất nhật dâm nhất độ
Lương y bất đáo gia…”

Cứ sau mỗi ngày hành trình trải nghiệm leo núi, đoàn chúng tôi lại cùng nhau tập kết tại nhà ông Bắc Mập, chính tên ông là Bắc nhưng vì ông có thân hình khá mũm mĩm nên bạn bè yêu quí mới tặng cho ông chữ “mập” nữa cho xứng tầm, thời trẻ ông Bắc là quân nhân, sau đó làm lái xe mẫn cán của UBND tỉnh, sau khi nghỉ chế độ ông Bắc dành tâm chí và đầu tư vào khu trang trại thuộc thôn Phấn Sơn, xã Đồng Sơn, Yên Dũng, hiện ông đang sở hữu trên 10ha vườn rừng với cai thầu mặt nước hồ Phấn Sơn có diện tích gần 5 ha, dung lượng nước khoảng 400 nghìn khối, ông cũng thường xuyên leo núi cùng chúng tôi, ông luôn mang theo lá cờ tổ quốc và dương cao trên đỉnh núi gió bay phần phật thật là khí thế tiên phong, đoàn leo núi tập kết ở nhà ông hàng ngày được dừng nghỉ uống nước miễn phí, hát karaoke miễn phí và khiêu vũ miễn phí… xin cảm ơn “Bắc mập”.

Còn với cá nhân tôi, quá trình 3 tháng tập leo núi và leo núi đến nay có thể nói là thành công! Vì đó là kết quả trải nghiệm cực kỳ vất vả, đòi hỏi phải kiên trì, biết dành thời gian và sức lực nhất định để leo núi, bất chấp nắng mưa vẫn lên núi, khi đã chinh phục độ cao rồi mới thấy mình là người chiến thắng.

Trở lại 3 tháng trước khi leo núi, tôi nặng 71kg với 1,62m chiều cao, huyết áp thấp thường không ổn định, tiểu đường trung bình ở mức 10.5 có thời kỳ lên 12.0, sau 15 ngày leo núi đã giảm cân còn 68kg, đường huyết trở về dưới 10.0, sau 30 ngày giảm cân còn 67kg và đường huyết xuống còn 8.5, cứ như vậy các chỉ số liên tục giảm cho đến hôm nay chính thức kiểm tra huyết áp 122/80, cân nặng 66kg (giảm 5kg sau 3 tháng) và đặc biệt là đường huyết đã ổn định ở mức 5.2 đến 5.6, mới hay, leo núi là một môn thể thao cho ta hữu ích tuyệt vời, từ một bệnh nhân khó chữa đến bi quan suy sụp tinh thần và  nay đã trở về chỉ số bình thường cho phép mà không cần dùng thuốc…!

Đây cũng là bài học đối với những người không chịu vận động, họ có biết đâu ở trên đỉnh núi đang có cả các cụ già trên 80 tuổi luyện yoga đến thần kỳ. Xin cảm ơn những người anh, người bạn đã động viên tôi theo con đường leo núi của dải Nham Biền huyền thoại./.

Hoàng Minh Hồng
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BẮC GIANG

Bạn đang đọc bài viết Hành trình leo núi của tôi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Cuộc đời...
Ai chẳng muốn những chuỗi ngày bình lặng///Hà cớ gì chấp nhặt chuyện đó đây///Lo cuộc sống mệt mỏi đến hao gầy///Ngó nghiêng chi mấy điều không vừa ý?

Tin mới