Thứ tư, 18/09/2024 05:00 (GMT+7)

Hải Phòng: Các khu công nghiệp hạn chế tối đa thiệt hại nhờ chủ động phòng chống bão

MTĐT -  Thứ năm, 12/09/2024 16:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt khu công nghiệp lớn ở Hải Phòng đã giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn cho các DN và nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất sau siêu bão số 3.

Thông tin mới nhất từ KCN Nam Cầu Kiền cho biết, qua cơn bão số 3, KCN đã đảm bảo an toàn tối đa, giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thiệt hại chủ yếu liên quan đến cây cối gãy đổ và một số thiệt hại nhỏ về mái và trần nhà xưởng. Các thiệt hại này không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu vực. Sau cơn bão, nhiều doanh nghiệp đã có thể khôi phục hoạt động trở lại.

Theo ghi nhận của phóng viên tại KCN Nam Cầu Kiền, thiệt hại ban đầu được ghi nhận cơ bản là cây cối gãy đổ, các nhà máy trong khu công nghiệp chỉ bị thiệt hại cục bộ, nhưng không lớn, không quá ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

“Chỉ mất 2-3 ngày là các doanh nghiệp trong KCN chúng tôi có thể hoạt động sản xuất bình thường trở lại”, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền chia sẻ.

Như tại công ty TNHH Dongbang Vina chỉ bay vỡ một vài cửa kính và phía mái trên bị bung 1 ít ốc vít. Hay như công ty CP Kim khí Việt bị bung 1 ít bên hông nhà xưởng, tốc 1 ít mái. Đại diện Công ty Gola Lion Webbing Vina thì chỉ bị thiệt hại về cây cối. Công ty TNHH Vanderleun Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều, một số chữ logo bị bay, một số phòng bị nước tràn vào….

Là một trong những doanh nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền ít bị dảnh hưởng bởi bão số 3, ông Lê Đức Oánh, Phó giám đốc Công ty GGV và Giám đốc Dự án các công trình GGV cho biết: “Tình hình sau bão cho thấy các công trình của công ty đều ổn định, không có thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Shinec, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, KCN Nam Cầu Kiền đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bão nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và tài sản. Dưới sự chỉ đạo sát sao từ Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, Huyện ủy và UBND huyện Thủy Nguyên, Ban chỉ đạo phòng chống bão của Ban quản lý KCN đã khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống bão.

Thường trực phòng chống báo số 3, ông Hoàng Minh Trọng, Trưởng ban Bảo vệ, phụ trách vấn đề an ninh của KCN Nam Cầu Kiền cho biết: “Khi bắt đầu có thông tin bão sẽ vào biển Đông, toàn bộ lực lượng an ninh, bảo vệ trong KCN Nam Cầu Kiền đã đi đến từng doanh nghiệp trọng KCN để hướng dẫn cách phòng chống bão, gia cố nhà xưởng, mái, chằng chông cây cối. Do vậy, sau cơn bão, ghi nhận thiệt hại tại KCN của chúng tôi không nặng nề”.

Ông Trọng còn cho biết thêm, tại KCN đã không để xảy ra ngập lụt do hệ thống đường cống thoát nước đã được chúng tôi nâng cấp trước đó. Bên cạnh đó, Công ty còn kịp thời phối kết hợp với công ty thuỷ lợi thoát nước khi thuỷ triều xuống nên không gây ngập lụt”.

Còn theo ông Lê Đức Oánh, có ba yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại của doanh nghiệp tại KCN Nam Cầu Kiền khi bão về. “Đầu tiên là chúng tôi đã nhận được thông báo sớm từ Công ty CP Shinec về bão và các yêu cầu về phòng chống bão. Tiếp đó, Tổ phòng chống bão của công ty đã được, phối hợp với chặt chẽ với lực lượng an ninh trọng KCN của chủ đầu tư. Cuối cùng, trong quá trình bão diễn ra, Công ty GGV đã phối hợp chặt chẽ với Shinec để thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình và giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo rằng tất cả các yêu cầu về an toàn được thực hiện đầy đủ”, ông Oánh khẳng định.

Theo thông tin từ Ban quản lý KCN Nam Cầu Kiền, tối đa là chỉ sau 2 ngày nữa, toàn bộ KCN sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo giao thông trong KCN được an toàn, bình thường. Hiện Công ty CP Shinec đã cử cán bộ, nhân viên xuống từng doanh nghiệp để ghi nhận hậu quả và cùng các nhà đầu tư trong KCN khắc phục sự cố để sớm ổn định sản xuất.

KCN Nam Cầu Kiền an toàn trong bão chứng tỏ khả năng ứng phó hiệu quả với thiên tai, bảo vệ tài sản và an toàn cho các doanh nghiệp trong khu vực. Việc nhanh chóng khôi phục hoạt động sau bão cũng thể hiện sự linh hoạt và chuyên nghiệp trong quản lý, góp phần vào sự phát triển bền vững của KCN. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng của sự chuẩn bị và quản lý chặt chẽ trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và duy trì hoạt động sản xuất liên tục.

tm-img-alt
Nhiều công nhân đến công ty nhưng không thể vào xưởng do nhà xưởng hư hỏng hoàn toàn phần mái.

Tại các khu công nghiệp khác của Hải Phòng, nhiều nhà xưởng bị "tan hoang" sau bão số 3. Một số điểm bị ngập lụt cục bộ trong bão. Nhiều doanh nghiệp nhà xưởng bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật; không ghi nhận thiệt hại về người.

Tại KCN Nam Đình Vũ I ghi nhận thiệt hại 100% doanh nghiệp thứ cấp bị tốc một số điểm mái tôn, vách tôn nhà xưởng và 1 nhà xưởng bị sập. Thêm nữa, hạ tầng như cổng chào, quảng cáo công trình hư hỏng; điện chiếu sáng hỏng 250 bóng điện, nghiêng đổ 5 cột điện.

Tại KCN Deep C nhiều nhà xưởng bị lật mái, một số tường bị xé, đổ cổng, hàng rào, biển báo, hệ thống camera. Cụ thể, hơn 90% công ty trong KCN DEEP C bị thiệt hại và ít nhất 50% chịu tổn thất nặng nề.

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như PHA Việt Nam, LS Metal, Pegatron Việt Nam, Global Meterial Handling, Adhes Việt Nam, IDP Đình Vũ và Suhil Việt Nam. Nhà xưởng của Công ty Environ Star và Vật liệu xây dựng Jinka (khu công nghiệp Đồ Sơn) bị ngập, hỏng máy móc thiết bị.

Tại KCN Tràng Duệ có 6 doanh nghiệp bị tốc một số điểm mái và công trình phụ trợ và LG Electronics bị sập 1 góc nhà xưởng.

Tại KCN VSIP Hải Phòng 45% cây xanh bị gãy đỗ và 17 doanh nghiệp bị tốc một số điểm mái tôn và công phụ trợ.

Ở KCN Nhật Bản - Hải Phòng có 9 doanh nghiệp, KCN An Dươn cũng có 9 doanh nghiệp bị tốc mái tôn và công trình phụ trợ.

Cụ thể, Công ty TNHH Wayne (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), toàn bộ mái nhà xưởng gần 6.000m2 cuốn theo bão, khung nhôm sắt cũng gẫy đổ. Nhà xưởng hỏng hóc nghiêm trọng nên khả năng phải xây lại mới. Ít nhất một tháng nữa, công ty mới có thể khắc phục xong để trở lại sản xuất.

Còn tại Công ty TNHH Daito Rubber (KCN Nhật Bản - Hải Phòng), nhà xưởng bị tốc mái, dột nát nghiêm trọng sau bão số 3. 1 bộ phận khoảng 60 công nhân phải nghỉ trong vòng 2 tuần tới để khắc phục hậu quả.

Hiện nay, 100% doanh nghiệp đã được cấp điện, các điều kiện khác để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường như nước sạch, internet cũng đã cơ bản được giải quyết. Các doanh nghiệp và khu công nghiệp đang khẩn trương xử lý sự cố, ổn định sản xuất

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết ngày đến ngày 10/9, 95% doanh nghiệp có thể sản xuất trở lại để đảm bảo các đơn đặt hàng. Phần lớn các doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, quay lại sản xuất.

"Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu kinh tế Hải Phòng luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm chuỗi cung ứng tại Hải Phòng trên thị trường toàn cầu luôn thông suốt", ông Kiên nói.

Trâm Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Các khu công nghiệp hạn chế tối đa thiệt hại nhờ chủ động phòng chống bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Xu hướng mới trong phát triển các Khu công nghiệp
Bắc Ninh đang định hướng phát triển KCN theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng,...

Tin mới