Thứ ba, 02/07/2024 12:10 (GMT+7)

Giao Thủy (Nam Định): Môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp

Văn Thụy -  Chủ nhật, 30/06/2024 12:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quá trình triển khai NTM nâng cao, ý thức bảo vệ môi trường của người dân huyện Giao Thủy (Nam Định) đã được nâng lên rõ rệt. 13 xã đều đạt tiêu chí về Môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao

tm-img-alt
Trung tâm hành chính huyện Giao Thủy.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, huyện Giao Thủy đã thực hiện tốt việc nâng cao ý thức về môi trường đối với người dân và doanh nghiệp.

Trên địa phận 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Giao Thủy không có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Các khu kinh doanh tập trung tại các xã là các khu chợ truyền thống, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, các quy hoạch khác có liên quan và có hạ tầng kỹ thuật và cơ bản đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường (cụ thể: đã bố trí các thùng chứa riêng biệt (thùng rác hữu cơ, thùng rác vô cơ) để người dân phân loại rác, có công trình thu gom, xử lý nước thải bằng hố ga lắng lọc trước khi thải ra ngoài môi trường,…). Siêu thị Lan Chi thuộc khu kinh doanh, dịch vụ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường số 912/XN-STNM ngày 27/4/2017. Căn cứ theo Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định trên địa bàn 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao có 13 chợ truyền thống được công nhận là chợ hạng III; 13/13 chợ đều đảm bảo về công tác bảo vệ môi trường. Như vậy, qua quá trình triển khai NTM nâng cao, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên rõ rệt, nhất là các khu vực công cộng. Việc phân loại rác thải để giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển đến các khu xử lý rác thải tập trung.

Các xã đã rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi trên địa bàn xã lập hồ sơ môi trường theo quy định và thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường đảm bảo trong quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở có hồ sơ môi trường thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo quy định; 100% cơ sở có công trình, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn (CTR) thông thường, CTR nguy hại và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định; 100% cơ sở có công trình thu gom, thoát nước, xử lý nước thải, khí thải phát sinh theo quy định.

100% hộ gia đình đăng ký và thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 98%. Hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện cơ bản đã đi vào nền nếp. Định kỳ 02 - 03 lần/tuần tổ thu gom tiến hành thu gom rác thải tại các thôn, xóm, phố, khu dân cư, vận chuyển đến khu xử lý rác thải tập trung của các xã để xử lý. Chất thải rắn không nguy hại có thể được xử lý bằng các phương pháp tái chế, tái sử dụng tại chỗ, bán cho các đơn vị thu mua phế liệu; phương pháp ủ phân, vi sinh; đối với chất thải không thể tái chế, tái sử dụng hay ủ phân sẽ được thu gom và xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn các xã.

Chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn huyện hành phần chủ yếu là đồ nhựa hỏng, túi nilon, khay nhựa, hộp nhựa chứa đựng thực phẩm,… Chất thải nhựa đã được các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện thu gom, phân loại tại nguồn, các nhựa thải có thể tái chế, được thu gom và bán phế liệu cho các cơ sở thu mua phế liệu. Các chất thải nhựa không thể tái chế Công ty cổ phần đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC thu gom, xử lý tại bãi rác tập trung của huyện. Nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa.

 Trên địa bàn 13 xã NTM nâng cao của huyện Giao Thủy, các hộ đã thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả như đã sử dụng bể tự hoại, bể lọc kỵ khí có vách ngăn để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường. Đến hết năm 2023, tổng số hộ tham gia thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng các biện pháp, công trình phù hợp đạt 100%. Các khu dân cư tập trung xã Giao Tiến và xã Hoành Sơn đều có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra ngoài cống thoát nước chung của xã.

Tổng lượng chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn 13 xã nâng cao tỷ lệ 100%.

Trên địa bàn huyện tất cả các trang trại chăn nuôi đều có đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và được UBND huyện xác nhận thủ tục môi trường; các cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND xã xác nhận. Các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi đều thực hiện các công trình, biện pháp xử lý chất thải như xử lý bằng bể biogas, đệm lót sinh học... đảm bảo vệ sinh, môi trường và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi.

Các nghĩa trang đảm bảo các quy định của pháp luật về môi trường và đúng theo quy hoạch sử dụng đất. 100% các nghĩa trang xây mới được thực hiện theo quy hoạch đảm bảo các yêu cầu tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Trên địa bàn huyện Giao Thủy không có cơ sở hỏa táng; các loại chất thải phát sinh khi tổ chức mai táng được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc mai táng được thực hiện theo quy chế quản lý nghĩa trang đảm bảo vệ sinh môi trường và phù hợp với phong tục tập quán ở địa phương. Địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân sử dụng hình thức hỏa táng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Quá trình tuyên truyền, triển khai thực hiện đã giúp người dân ngày càng nhận thức đúng hơn về hình thức hỏa táng, nhất là từng bước thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu ở các vùng nông thôn. Các xã đã xây dựng Quy chế về quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn.

tm-img-alt
Công ty Cổ phần thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy trao tặng cho huyện Giao Thủy nhiều loại cây gồm: Cây Sấu, cây bàng Đài Loan, cây Osaca, cây hoa ban đỏ, cây muồng Hoàng Yến với tổng trị giá 1 tỷ đồng.

Trong năm 2023, trên địa bàn toàn huyện đã tích cực hưởng ứng chủ trương của trung ương, tỉnh về triển khai thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; các xã chủ động rà soát quỹ đất công cộng tại điểm dân cư nông thôn để trồng các loài cây bản địa, cây thân gỗ, đa mục đích như cây sấu, bằng lăng, osaka, muồng hoàng yến, hoa ban, bàng Đài Loan, gỗ sao, long lão…vừa có giá trị về bảo vệ môi trường, cảnh quan vừa có giá trị kinh tế.

Ngoài ra vào mỗi dịp tết đến xuân về các xã đồng loạt ra quân tổ chức phát động Tết trồng cây, địa điểm trồng tập trung tại các khu vực công cộng như nhà văn hóa các xóm, sân chơi, khu thể thao các xã, các tuyến đường trục xã, đường trục thôn và đường ngõ xóm…

Năm 2023, xã Giao Hương, huyện Giao Thủy đã tham gia dự án “ Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” do Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) chủ trì với nguồn tài trợ của Tổ chức Bảo tồn đại dương (OC).

tm-img-alt
Điểm vận hành thí điểm “ Công cụ thu gom rác thải trên sông” tại xã Giao Hương.

Trong thời gian thực hiện dự án, xã Giao Hương đã triển khai lắp đặt và vận hành các công cụ thu gom rác trên sông (gọi tắt là bẫy rác) để tăng cường thu gom rác trên dòng chảy, góp phần giảm rác thải ra biển và nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động của người dân xung quanh bẫy rác và hỗ trợ hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường địa phương. Dự án đã thực hiện thành công, các bẫy rác đã được bàn giao cho địa phương quản lý và vận hành.

Bạn đang đọc bài viết Giao Thủy (Nam Định): Môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới