Thứ năm, 19/09/2024 23:37 (GMT+7)

Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột 120 năm hình thành, phát triển

Thế Hoàn -  Thứ năm, 15/08/2024 09:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ một vùng đất hoang sơ “rừng thiêng, nước độc”, với đức tính cần cù, lao động sáng tạo, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, người dân Đắk Lắk đã kiến tạo nên một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, là miền đất lành hội tụ mọi vùng quê của Tổ quốc.

Ngày 22/11/2024, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột kỷ niệm 120 năm ngày hình thành (22/11/1904-22/11/2024). Từ một vùng đất hoang sơ “rừng thiêng, nước độc”, nhưng với đức tính cần cù, lao động sáng tạo, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, người dân Đắk Lắk qua nhiều thế hệ ý đã kiến tạo nên một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, là miền đất lành hội tụ mọi vùng quê của Tổ quốc.

Vàinét khái quát đặc điểm tự nhiên, xã hội

Địa danh Đắk Lắk trong các văn bản hành chính trước năm 1975 ghi là Darlac, sau năm 1975 có thời kỳ ghi là Dak Lak. Tỉnh Đắk Lắk nằm ở cao nguyên phía Tây miền Trung của Việt Nam, có diện tích tự nhiên là 13.125 km2 và dân số gần 1,8 triệu người. Phía Bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, phía Tây có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia.

Đắk Lắk là một cao nguyên thấp, độ cao trung bình khoảng 500 mét so với mực biển, là vùng đất tương đối bằng phẳng, đôi chỗ hơi lượn sóng và bị chia cắt bởi những thung lũng, sông suối. Phía đông có những đồng cỏ trải dài, phía tây địa hình thấp dần, dòng sông Sêrêpôk chảy qua đây tạo thành những thác lớn; phía nam là miền đồng trũng có Hồ Lắk rộng trên 500 héc-ta, hai con sông Krông Ana và Krông Nô tạo thành một vùng lưu vực rộng hàng vạn héc-ta đất đai màu mỡ.

tm-img-alt
Sêrêpôk là dòng sông huyền thoại tiếp giáp giữa 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, có những thắng cảnh làm say đắm du khách. Kỳ quan địa chất ở đây lộ ra theo mỗi bước chân, nhất là khu vực cụm thác Gia Long - Dray Sáp - Dray Nur.

Hệ thống sông ngòi của Đắk Lắk khá phong phú. Con sông H’Năng và sông Hinh là hai con sông chảy dồn về tỉnh Phú Yên rồi đổ ra biển Đông. Con sông Sêrêpôk là sông lớn và dài nhất của tỉnh (332 km), bắt nguồn từ dãy Chư Yang Sin theo hướng Tây đổ vào sông Mê Kông ở Stung Treng (Campuchia) – thường được gọi là “con sông chảy ngược” . Ngoài ra còn có nhiều chi lưu sông nhỏ chảy qua các huyện Krông Ana, Lắk… Những con sông này hàng năm đã tạo ra nguồn phù sa lớn màu mỡ cho các loại cây trồng.

Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của cả nước. Địa bàn đi lại thuận lợi, có cả đường bộ và đường hàng không. Quốc lộ 14 nối Đắk Lắk với các tỉnh phía Nam và phía Bắc, là con đường huyết mạch của tỉnh đi từ Pleiku (Gia Lai) qua trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột xuống Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh.

Đắk Lắk còn có Quốc lộ 26 nối thành phố Buôn Ma Thuột với các huyện Krông Pắk, Ea Kar, M’Drắk đến tỉnh Khánh Hòa; Quốc lộ 27 kéo dài nối trung tâm tỉnh với các huyện Cư Kuin, Lắk ở phía Nam và thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hoà đang thi công trong tương lai sẽ tăng cường kết nối giao thương giữa Đắk Lắk với các tỉnh Duyên hải miền Trung. Đường hàng không đã có từ lâu và hiện nay được đầu tư, nâng cấp, thường xuyên đón các đoàn khách quốc tế và trong nước.

Đắk Lắk tuy ở gần đường xích đạo, nhưng điều kiện địa hình đã tạo cho khí hậu mát mẻ, ôn hòa hơn so với nhiều tỉnh khác; có vị trí nằm ở trung tâm vùng đất Bazan của Tây Nguyên, với tổng diện tích đất đỏ khoảng 700.000 ha, chiếm 40% đất cùng loại của cả nước, thích hợp với cây công nghiệp và cây lấy gỗ. Đặc biệt cây cà phê, cây cao su thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Đắk Lắk, cho năng suất và chất lượng cao hơn so với các vùng khác, thuận lợi cho việc phát triển vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp dài dài và đây là một thế mạnh nổi bật của tỉnh.

Đắk Lắk có diện tích rừng và trữ lượng gỗ lớn, với nhiều loại gỗ quý như: Cẩm lai, giáng hương, căm xe, trắc, sao, dổi, muồng đen… Rừng có nhiều loại động, thực vật phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại với số lượng lớn như: Voi, hổ, báo, hươu, nai, trâu, bò rừng, tê giác, tắc kè, trăn, các loại chim, ong… Đặc biệt, có Vườn quốc gia York Đôn rộng hàng trăm ngàn héc-ta, là nơi bảo vệ các loại động vật quý hiếm ở nước ta. York Đôn cũng là nơi có nhiều voi sống thành từng đàn. Ở đây còn có nhiều cây dược liệu quý, đáng kể là các loại: Huyết giác, thiên môn, cốt toái bổ, sâm tuế, hải sơn, thanh học…

Đắk Lắk có lợi thế địa hình đa dạng, không chỉ mạnh về cây công nghiệp mà còn có điều kiện phát triển cây lương thực, thực phẩm với hàng trăm ngàn héc-ta đất phù sa màu mỡ, có thể làm hai, ba vụ lúa một năm. 

Đắk Lắk có nhiều cảnh đẹp và di tích văn hóa, lịch sử lâu đời như: Hồ Lắk rộng 500 ha, là một hồ thiên nhiên nằm ở giữa một thung lũng đẹp và thơ mộng; Thác Đray H’linh cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 15 km; Khu du lịch cầu treo Buôn Đôn mộc mạc nhưng hấp dẫn với du khách du lịch sinh thái trong nước và quốc tế; rừng mai vàng thiên nhiên rộng hàng chục héc-ta nằm trên tả ngạn sông Krông Ana; Tháp Chàm ở huyện Ea Súp cao 8 m rộng 5 m, xây dựng từ thế kỷ XIII; Nhà đày Buôn Ma Thuột nơi chứng tích về tội ác của đế quốc, thực dân, thể hiện khí phách kiên cường của các chiến sĩ cộng sản; Đình Lạc Giao, nơi ghi lại bước chân của dân tộc Việt định cư trên vùng đất mới cùng lời nguyện giao ước sống thuận hòa anh em với đồng bào Thượng…

Đắk Lắk có nền văn hóa lâu đời và độc đáo, văn học dân gian phát triển sớm với nhiều thể loại: Thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, ngụ ngôn, lời nói vần… chứa đựng vũ trụ quan, nhân sinh quan; thể hiện tính nhân văn, tinh thần cộng đồng của đồng bào các dân tộc bản địa. Những bản sử thi như trường ca Đam San, Xing Nhã, Đam Kteh… không những là niềm tự hào của nhân dân Đắk Lắk – Tây Nguyên, mà còn là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung là di sản quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số và đã được Tổ chức Văn hóa – Khoa học – Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại (25/11/2005).

Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến sinh sống và trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết bên nhau, chung lưng, đấu cật, vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc đấu tranh với mọi kẻ thù xâm lược. Đó là những cuộc khời nghĩa của các anh hùng Ama Ama Jhao, Nơ Trang Long, Nơ Trang Gưh…. trong hàng chục năm trời để cầm chân quân Pháp đánh chiếm Tây Nguyên.

Đó là cuộc chiến đấu của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mà chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 giải phóng tỉnh Đắk Lắk, mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, Đại thắng mùa Xuân 1975 có phần đóng góp quan trọng của quân và dân Đắk Lắk…. Từ một vùng đất hoang sơ, là nơi “rừng thiêng, nước độc”, nhưng với đức tính cần cù, lao động sáng tạo, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, người dân Đắk Lắk qua nhiều thế hệ ý đã kiến tạo nên một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, là miền đất lành hội tụ mọi vùng quê của Tổ quốc.

tm-img-alt
Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, niềm tự hào của nhân dân Đắk Lắk

Lịch sử hình thành và những thay đổi về địa phận hành chính tỉnhĐắk Lắk

Thờikỳ trước năm 1904: Đắk Lắk là cao nguyên rộng lớn nhất nằm ở trung tâm Tây Nguyên, theo các nguồn tài lệu, nhiều bộ chính sử và tư sử của nước ta, vùng đất Tây Nguyên trong đó có Đắk Lắk đã được biết đến với những tên gọi khác nhau.

Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Nước Thủy xá, Hỏa xá xưa gọi là Nam Bàn, là dòng dõi Chiêm Thành, thời Lê Thánh Tông đánh được Chiêm thành (năm 1471) lấy con cháu Vua nước ấy gọi là nước Nam Bàn, ở phía tây núi Thạch Bi” (Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học Xã hội – năm 1970.  Sách Đại Nam liệt truyện (mục nước Thủy xá, Hỏa xá) cũng chép: “Thủy xá, Hỏa xá ở phía trên nước Nam Bàn, thời Lê Thánh Tông đánh được nước Nam Bàn, cắt đất từ núi Thạch Bi trở về phía Tây ban cho, có hơn năm mươi thôn lạc, trong nước có núi Bà Nam rất cao, Thủy vương ở phía đông núi, Hỏa vương ở phía Tây núi” (Đại Nam liệt truyện. NXB Thuận Hóa, Huế 1993).

Trên cơ sở những tư liệu lịch sử dưới thời triều Nguyễn ghi chép, được biết Tây Nguyên trước khi nằm dưới tầm kiểm soát của thực dân Pháp, là địa bàn của hai nước Thủy xá và Hỏa xá dưới triều Nguyễn (1802 – 1884). Ngược dòng thời gian, trước đó từ năm 1150, người Chiêm Thành đã từng tiến quân chiếm đóng một phần đất Tây Nguyên, theo kết quả của những đợt khai quật khảo cổ học gần đây, cho thấy ảnh hưởng của người Chăm đã lan tận đến thung lũng sông Ba và khu vực người Jarai, Êđê, các khu vực Thủy xá, Hỏa xá và cả vùng Đắk Lắk sau này.

Những tháp Yan Mum, Drang Lai gần Cheo Reo, các Ra sung ba tau (thùng lớn để làm bể rửa) vẫn còn nguyên ở Buôn Ma Thuột, đông Pleiku; tường thành ở Ea H’leo còn nhiều di tích rõ nét, đó là những dẫn chứng cụ thể của một thời người Chăm sống ở Tây Nguyên. Ngoài ra còn có một con đường do người Chăm mở ra để tiện việc hành quân và kiểm soát vùng Tây Nguyên đó là con đường đi từ Kon Tum xuống Quảng Nam còn bỏ dở.

Như vậy, vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng có từ lâu đời, nhất là từ sau cuộc chiến tranh mở đất về phía Nam của Lê Thánh Tông (năm 1471) đã nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước quân chủ Việt Nam, và cũng từ cuối thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, về danh nghĩa là Vua hai nước Thủy xá và Hỏa xá nhưng thực tế đã phần nào chịu ảnh hưởng của những chính sách cai trị của Vua chúa Việt Nam, nhất là từ thời Viên trấn thủ Quảng Nam, Bùi Tá Hán (cuối thế kỷ XVI) trở đi đến thời dưới triều Nguyễn thế kỷ XIX (1802-1884).

Nhận thấy vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự của vùng đất Đắk Lắk – Tây Nguyên, đó là vùng đệm giữa nước Việt Nam – Đại Nam với Lào, Cao Miên, Xiêm La (Thái Lan) nên các Vua Nguyễn nhất là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã để tâm đến nhiều hơn. Chính sử triều Nguyễn đã chứng minh cụ thể về quan hệ bang giao thời kỳ này, trong đó các viên sứ bộ của hai nước đi lại nhiều lần, đã chứng minh sự quan tâm đặc biệt của các Vua Nguyễn đối với vùng đất Đắk Lắk–Tây Nguyên.

Nhìn chung, lúc bấy giờ khu vực Tây Nguyên trong đó có Đắk Lắk còn là một vùng rất xa lạ và bí hiểm đối với người Kinh, ít ai dám lui tới vì khác ngôn ngữ, khác phong tục tập quán. Chính vì vậy mà người Pháp đã chú ý đến Tây Nguyên, coi Tây Nguyên là mục tiêu để những tên gián điệp khoác áo giáo sĩ đặt chân lên mảnh đất này. Thực dân Pháp sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ từ năm 1862 và ba tỉnh Miền Tây năm 1867, bằng việc tổ chức các đoàn thám hiểm để tìm cách xâm nhập vào vùng nội địa của Tây Nguyên, ngày 22/1/1891 đã đến được Bản Đôn loại trừ được quân đội Xiêm, kiểm soát được toàn khu vực.

Ngày 3/10/1893 một Hiệp ước Pháp – Xiêm được ký kết, thừa nhận quyền của nước Pháp trên phần đất nằm ở tả ngạn sông Mê Kông, trong đó có Cao Nguyên (gọi  là Hin truland).

Ngày 1/6/1895 thống sứ Lào là Boulloche chia lãnh thổ Lào thành hai vùng riêng biệt, một gọi là Thượng Lào đóng trụ sở tại Luông Prabang, và một gọi là Hạ Lào đóng trụ sở tại Kong của Stung Streng, Cao Nguyên Hin truland được sáp nhập vào 3 tỉnh là Strung Streng trong đó địa bàn Đắk Lắk, tỉnh Alopen và tỉnh Saravane.

Ngày 16/10/1898 Khâm sứ Trung kỳ buộc triều đình Huế sắp đặt vùng Tây Nguyên dưới sự đặc trách của người Pháp.

Ngày 31/1/1899 Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một cơ sở hành chính tại Bản Đôn, trên bờ sông Sêrêpôk trực thuộc tỉnh Strung Streng với mục đích thể hiện quyền cai trị của nước Pháp trên thung lũng này và để kiểm soát người dân tộc Jarai cũng như tạo sự dễ dàng cho việc buôn bán giữa Lào và Trung kỳ.

Ngày 2/11/1899 viên quản nhiệm Bovrglocs lập ra hạt đại lý khu vực Bản Đôn với mục đích làm thí điểm trong công cuộc bình định Cao Nguyên trung phần tìm cách thu phục đồng bào Êđê, M’nông (nhóm Kpă và Bih) vùng hạ lưu sông Krông Ana và Krông Nô, nhưng tất cả ý đồ đó đều thất bại.

Ngày 22/11/1904 Hội đồng tối cao toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Đắk Lắk khỏi địa bàn nước Lào và đặt thành một tỉnh thuộc quyền giám sát và quản trị của Khâm sứ Trung kỳ (xứ An Nam); cũng thời gian này (ngày 22/11/1904) tỉnh lỵ được chuyển từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột.

Như vậy với Nghị định ngày 22/11/1904, Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung kỳ, về địa giới hành chính tương đối ổn định cho đến những năm về sau (1954).

Thờikỳ sau năm 1904 đến trước năm 1975:

Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum (trước là đại lý Kon Tum trực thuộc tòa công sứ Qui Nhơn), bao gồm đại lý Kon Tum tách khỏi tỉnh Bình Định, đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên và đại lý Đắk Lắk (tỉnh Đắk Lắk bị giải thể hạ xuống làm một đại lý) thuộc tỉnh Kon Tum.

Đến ngày 2/7/1923, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Đắk Lắk khỏi tỉnh Kon Tum và thành lập tỉnh riêng dưới quyền một viên công sứ tên là Sabachier, làm công sứ đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk sau khi được tái lập. Đến ngày 30/5/1930 địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chia thành nhiều tổng (Secteus), trong đó có tổng tỉnh  lỵ Buôn Ma Thuột.

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, nước ta tạm thời bị chia làm hai miền Nam Bắc, chính quyền Sài Gòn chia trung phần thành Cao Nguyên trung phần và Trung Nguyên trung phần. Đắk Lắk thuộc Cao Nguyên trung phần. Đến ngày 2/7/1958, Đắk Lắk có 5 quận gồm quận Buôn Ma Thuột, Lạc Thiện, M’Drắk, Dak Song, Buôn Hồ. Sau đó, quận Buôn Ma Thuột được chuyển trở lại thị xã.

Từ sau năm 1975 đến nay:

Ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất, tháng 2/1976 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định giải thể các khu và hợp nhất các tỉnh ở miền Nam, trong đó tỉnh Đắk Lắk bao gồm cả tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Quảng Đức cũ.

Đến năm 1988, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên là 19.800 km2, dân số 974.000 người, bao gồm thị xã Buôn Ma Thuột và 15 huyện: huyện Dak R’lấp, Dak Nông, Dak Mil, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Ana, Krông Nô, Krông Pắk, Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông, Lắk, Ea H’leo, Krông Buk, Krông Năng. Những năm về sau thành lập thêm huyện Cư Jút (16/9/1990); huyện Buôn Đôn (7/10/1995), Dak Song (21/6/2001).

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đến ngày 26/11/2003 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã ra Quyết định số 22/2003/QH XI, chia tách Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 1 thành phố loại I (Buôn Ma Thuột), 1 thị xã (Buôn Hồ) và 13 huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Buk, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Pắk, Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Cư Kuin.

Về lịch sử vàđịa danh Buôn Ma Thuột

Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên 377,18 km2 (chiếm 2,87% diện tích toàn tỉnh Đắk Lắk), gồm 13 phường, 8 xã. Dân số hiện có gần 330.000 người, với 31 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 15% dân số toàn thành phố. Mỗi dân tộc có nếp sống văn hóa riêng rất đặc sắc, góp phần làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên.

Dưới góc độ nghiên cứu về khảo cổ học, Buôn Ma Thuột ít ra đã có 4.000 năm tuổi, điều này được tư liệu khảo cổ học khẳng định qua những dấu tích cư trú, làm nông của cư dân thời tiền sử. Qua tư liệu văn hóa tộc người đã có một Buôn Ma Thuột vài trăm năm tuổi và qua tư liệu sử học, đến nay Buôn Ma Thuột vừa tròn 120 năm hình thành và phát triển.

tm-img-alt
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức thường niên tại Đình Lạc giao, phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột dưới thời Pháp thuộc là trung tâm của tỉnh Đắk Lắk, cũng là trung tâm của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, đầu mối của nhiều đường giao thông. Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êđê Kpă, vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng năm chục nhà dài, mỗi nhà có từ 30 đến 40 người do người Tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam.

Đến những năm đầu của thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà đã quy tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ và do Tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là “làng của Ama Y Thuột” (tiếng Êđê: Ama nghĩa là cha, Y Thuột là người con trai tên Thuột – Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột).

Sau gần một năm trở thành tỉnh lỵ của Đắk Lắk kể từ ngày 22/11/1904, Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi và được thể hiện trên tấm bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1905. Từ năm 1923 lúc Sabachier làm công sứ tỉnh Đắk Lắk, thực dân Pháp đã đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để phục vụ cho chính sách thống trị lâu dài của chúng ở vùng đất này. Ngày 5/6/1930, Khâm sứ Trung kỳ đã ký Nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột. Trưởng làng do công sứ phê duyệt và được hưởng phụ cấp.

Ngày 10/3/1975, cái tên “Buôn Ma Thuột” đã gây chấn động thế giới với chiến thắng lẫy lừng “châm ngòi pháo đầu tiên” cho chiến dịch Đại thắng mùa Xuân 1975. Còn trước đó, từ những thập kỷ đầu thế kỷ XX, hương vị cà phê Buôn Ma Thuột đã được thế giới biết đến.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước trở thành một đô thị trung tâm của tỉnh Đắk Lắk và có vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước nói chung và khu vực  Tây Nguyên  nói riêng.

Ngày 21/1/1995, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra Quyết định số 08-CP thành lập thành phố Buôn Ma Thuột, đây là một dấu ấn quan trọng về sự trưởng thành và phát triển của Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Từ một đô thị loại IV năm 1975, Buôn Ma Thuột đã phát triển thành đô thị loại III năm 1995, được công nhận đô thị loại II năm 2005.

Đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị Trung ương Đảng có Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:  Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; là đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên.

Đó là thành quả của sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và dân thành phố Buôn Ma Thuột trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời là sự ghi nhận, phần thưởng xứng đáng của Đảng, Nhà nước về những đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột 120 năm hình thành, phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới