Thứ năm, 19/09/2024 18:55 (GMT+7)

Công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

An Na -  Thứ năm, 01/08/2024 16:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quán triệt “Không đánh đổi môi trường sống lấy tăng trưởng”, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường trong các khu công nghiệp.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Đến hết năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 07 KCN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào Quy hoạch phát triển danh mục các KCN ở Việt Nam bao gồm: Thuỵ Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, Phù Ninh, Tam Nông và Hạ Hoà, tại các Quyết định số: 713/TTg, ngày 30/8/1997; số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006, văn bản số 1742/TTg-KTN ngày 16/10/2008. Tổng diện tích các KCN theo quy hoạch là 2.273 ha; phê duyệt điều chỉnh phát triển các KCN tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 tại văn bản số 2501/TTg-KTN ngày 10/12/2014 với tổng diện tích là 2.256 ha.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/5/2018 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Phú Thọ, trong đó diện tích xây dựng các KCN: 2.256 ha.

Trong tổng số 7 KCN theo quy hoạch thì có 4 KCN đang hoạt động, 3 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và đang kêu gọi đầu tư. Các KCN đã thu hút được lượng vốn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh: Đến hết tháng 11 năm 2019 tổng nguồn vốn đã huy động được để đầu tư kết cấu hạ tầng KCN là 1.197,4 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách là 631,6 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp là 565,7 tỷ đồng). Tính đến hết năm 2020, toàn bộ 306 ha của KCN Thụy Vân, 81,0 ha của KCN Trung Hà, 119 ha của KCN Phú Hà, 70 ha KCN Cẩm Khê cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó có 02 KCN vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân với vốn đầu tư đăng ký 4.200 tỷ đồng. Công tác huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN được các cấp, các ngành quan tâm.

Các KCN là địa bàn quan trọng trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Phú Thọ, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn vừa qua.

Lũy kế đến hết năm 2020, các khu công nghiệp đã thu hút được 155 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12.555 tỷ đồng và 969 triệu USD. Trong đó, có một số dự án quy mô lớn, vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng và trên 100 triệu USD và  02 dự án công nghệ cao. Tới năm 2020, đã có 120 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ năm 2015 đến nay, do chính sách thu hút dự án vào các KCN của tỉnh Phú Thọ có sự thay đổi: về quy mô vốn đầu tư, yêu cầu công nghệ, bảo vệ môi trường, nộp ngân sách nhà nước… nên quy mô, chất lượng dự án đầu tư đã tăng lên đáng kể. Đã có nhiều dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao lựa chọn các KCN Phú Thọ làm điểm đến góp phần đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, thúc đẩy ngành công nghiệp của Tỉnh phát triển mạnh mẽ. Đến nay có 2 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; 22 doanh nghiệp chế xuất; hàng loạt doanh nghiệp nằm trong tốp các doanh nghiệp đóng nộp ngân sách nhà nước cao trong Tỉnh.

Quán triệt quan điểm “Không đánh đổi môi trường sống lấy tăng trưởng”, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong các KCN, tỉnh đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường. Công tác bảo vệ môi trường trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện, có sự phân cấp trong công tác quản lý; các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; các cấp, ngành, doanh nghiệp đã ý thức được công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cơ bản và cấp thiết cho sự phát triển bền vững; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế.

Về phía doanh nghiệp, tính đến hết năm 2020, hầu hết cơ sở sản xuất trong các KCN đều đã được phê duyệt báo cáo tác động môi trường; phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; ký kết các điều kiện xả nước thải vào hệ thống thoát nước thải chung KCN; đã và đang thực hiện đấu nối thoát nước vào hệ thống thoát nước chung của KCN; thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường theo quy định của tỉnh; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo tác động môi trường được phê duyệt. Đặc biệt, một số ngành nghề có mức độ xả thải khí thải cao như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí… các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời ngay tại nguồn xả thải. Hầu hết các cơ sở phát sinh khí thải đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải và thực hiện kiểm soát, quan trắc khí thải theo quy định.

Đối với việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn: Đa số các doanh nghiệp trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý; ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý rác thải rắn và chất thải nguy hại. Nhiều nhà máy trong các KCN,  đã đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất khá hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là chất thải công nghiệp có tính độc hại cao đã được xử lý triệt để.

Mục tiêu chung của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn 2021-2025 là phát triển các KCN, CCN với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn nhằm định hướng quỹ đất, phát triển hạ tầng cơ sở trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường; gắn sản xuất với thị trường, vùng nguyên liệu; Làm cơ sở để xây dựng, đề xuất các chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KCN, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

- Đối với các KCN: Hình thành một số khu vực trọng điểm trong các KCN để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ đóng góp trong chuỗi liên kết sản xuất và các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá dọc các tuyến trục giao thông quan trọng kết nối với các cảng biển, sân bay và cửa khẩu; tập trung lấp đầy và rà soát lựa chọn các loại hình KCN thích hợp đối với các KCN đã xây dựng.

- Đối với các CCN: Phát triển các CCN gắn với công nghệ tiên tiến dựa trên các đặc trưng và thế mạnh của từng địa phương, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông nghiệp công nghệ cao đồng thời tạo hạt nhân thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thời gian qua, các KCN, CCN của tỉnh Phú Thọ đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương và góp phần đô thị hóa. Với việc hình thành nên các KCN, CCN, đã thu hút đầu tư được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng quản lý tập trung nên thuận lợi trong công tác quản lý; tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu công nghiệp cũng như khuyến khích liên kết giữa các đơn vị sản xuất; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; sản xuất hàng hoá tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng. Mặt khác, sản xuất trong các KCN, CCN đã tạo cơ hội cho việc tập trung thông tin, kiến thức - tiền đề cho việc cải tiến, đổi mới trong sản xuất, tạo môi trường cho chuyển giao công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, tình hình phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua còn nhiều hạn chế: tỉ lệ lấp đầy ở các KCN, CCN chưa cao, chưa thu hút được các dự án đầu tư tầm cỡ giống như các tỉnh lân cận,… Bên cạnh đó, quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Phú Thọ đến 2020 có một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt là đối với phát triển công nghiệp – lĩnh vực được dự báo sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn tới do tác động của các yếu tố về công nghệ, thị trường,… đặc biệt, trong giai đoạn này, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển và làm cơ sở để chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đối với việc phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới, việc lập, ban hành kế hoạch phát triển KCN, CCN tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh sẵn có để phát huy vai trò của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.

Bạn đang đọc bài viết Công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bình Phước sắp đón thêm loạt khu công nghiệp
Bình Phước, với quỹ đất dồi dào và vị trí chiến lược giáp ranh các tỉnh công nghiệp mạnh trong vùng Đông Nam Bộ, đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghiệp.

Tin mới