Thứ ba, 17/09/2024 14:02 (GMT+7)

Chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 9/2024

MTĐT -  Chủ nhật, 08/09/2024 17:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ ngày 20/9, Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực.

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

Từ ngày 1/9, Thông tư 47/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư, ví như: khai thác, sử dụng thông tin số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia là từ 200 đến 340 nghìn đồng tùy cấp độ; Số liệu của mạng lưới độ cao quốc gia khoảng 120 đến 160 nghìn đồng; Dữ liệu ảnh hàng không kỹ thuật số là 250 nghìn đồng…

Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc tài sản công cho mục đích quốc phòng, an ninh thì mức thu phí bằng 60% mức thu phí tương ứng tại Biểu mức thu phí.

Miễn phí đối với trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc tài sản công để phục vụ: Mục đích quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp; Phòng, chống thiên tai trong tình trạng khẩn cấp.

Tình trạng khẩn cấp quy định tại khoản này được xác định theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật Phòng thủ dân sự và pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Cũng theo Thông tư này, chậm nhất là ngày 5 hằng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định.

Chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 9/2024
Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2024 (ảnh minh họa)

Hướng dẫn sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Từ ngày 14/9, Thông tư 57/2024/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, việc hoàn trả tiền ký quỹ được thực hiện như sau: Bên nhận ký quỹ phải hoàn trả tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ cho bên ký quỹ hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan theo quy định tại khoản 7, khoản 9 Điều 37 và điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 76 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.

Bên nhận ký quỹ không được sử dụng tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ để cho vay và thực hiện các mục đích khác ngoài quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC.

Cũng theo Thông tư này, toàn bộ tiền lãi phải thu gửi ngân hàng thương mại phát sinh từ gửi tiền ký quỹ theo quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC và pháp luật liên quan được hạch toán vào doanh thu hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.

Toàn bộ tiền lãi ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ theo quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC và pháp luật liên quan được hạch toán vào chi phí hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.

Hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

Từ ngày 20/9, Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực. Nghị định này đã đưa ra các mức hỗ trợ cụ thể khi các chủ dự án chăn nuôi áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi được hỗ trợ không quá 50% giá trị sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm khuyến khích áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, mức hỗ trợ tối đa như sau: 5 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi nông hộ); 50 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 100 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

Nhà nước cũng hỗ trợ không quá 50% giá trị công trình khí sinh học nhằm khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 7 triệu đồng/công trình (chăn nuôi nông hộ); 300 triệu đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 01 tỷ đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

Để được hưởng chính sách khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi, các đối tượng phải đáp ứng các điều kiện sau: Đáp ứng quy định tại Điều 55, Điều 56, khoản 2 Điều 57 Luật Chăn nuôi 2018; Có chăn nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng mới công trình khí sinh học đáp ứng đúng hướng dẫn kỹ thuật về xử lý chất thải chăn nuôi hoặc sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công bố; Hoặc xây dựng mới công trình khí sinh học, sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi đối với nội dung hỗ trợ là sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và công trình khí sinh học.

Bạn đang đọc bài viết Chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 9/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Bộ TN&MT

Cùng chuyên mục

Tin mới