Thứ hai, 01/07/2024 21:07 (GMT+7)

Bảo đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, cần nghiên cứu đồng bộ quy hoạch đô thị và nông thôn

MTĐT -  Thứ bảy, 29/06/2024 11:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ý kiến các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với hệ thống quy hoạch quốc gia…

Tránh chồng chéo các quy hoạch

Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Góp ý vào khoản 1 Điều 3 quy định các loại quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần tiếp tục rà soát lại cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Trong đó, tại điểm a khoản 1, đề nghị xem xét không nên quy định lại vì Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định; Tại điểm b, điểm c khoản 1, đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Bảo đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, cần nghiên cứu đồng bộ quy hoạch đô thị và nông thôn
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: quochoi.vn.

Để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch, đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị xem xét mối quan hệ trong việc xác lập các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, nhất là quy hoạch nông thôn đối với các huyện, xã, quy hoạch đô thị với các thị xã, thị trấn, đô thị mới.

Về quy hoạch chung huyện được quy định tại Điều 26, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, quy hoạch chung huyện, quy hoạch chung xã không thống nhất với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cũng như thời kỳ theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, dẫn tới quy hoạch chung xã, quy hoạch chung huyện sẽ khó khăn, nhất là việc phân bổ, sử dụng đất đai trong thời kỳ quy hoạch.

Tại khoản 5 Điều 26 về quy hoạch chung huyện, đề nghị bổ sung quy hoạch chung huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung xã, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết khu chức năng.

Đáng chú ý, nhấn mạnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen nhau, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Bảo đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, cần nghiên cứu đồng bộ quy hoạch đô thị và nông thôn
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc xây dựng Luật này cũng là môt cơ hội nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc; vừa là tiền đề, làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên.

Đại biểu chỉ ra rằng, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch. Theo dự thảo Luật, trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỷ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh. Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng…

Từ đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên? Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo…

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, về bản chất, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể quy hoạch tổng thể quốc gia, các không gian về hoạt động kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bổ dân cư nông thôn.

Mặt khác, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật. Có 10 điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị, như: (1) Kỳ hạn của quy hoạch tỉnh là 10 năm tầm nhìn 20 năm, còn quy hoạch chung đô thị là kỳ hạn 20 năm tầm nhìn 50 năm; (2) Đối tượng quy hoạch tỉnh là không gian phi vật thể; còn quy hoạch chung đô thị là không gian có vật thể cụ thể; (3) Mục tiêu khác nhau giữa hai quy hoạch này, một bên là xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội, một bên là xây dựng hình ảnh đô thị về dài hạn;(4) Tính biến động cao và tính biến động thấp. Quy hoạch tỉnh bám sát về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phúc lợi xã hội; còn quy hoạch chung đô thị bám vào chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật tương ứng các loại đô thị phân cấp đô thị…

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng cho rằng, trong hai quy hoạch có một số điểm chồng chéo cần tiếp thu, sửa đổi. Bên cạnh đó, nếu tích hợp hai quy hoạch có những vấn đề khó khả thi đặt ra như kỳ quy hoạch chưa tương đồng; đối tượng quy hoạch; mục tiêu quy hoạch khó thực hiện gộp chỉ tiêu kiểm soát, mức độ kiểm soát, mức độ tương thích giữa các ngành, lĩnh vực…

Phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị

Giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến phạm vi, nội dung, đối tượng, mối quan hệ của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có một phần đô thị. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.

Bảo đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, cần nghiên cứu đồng bộ quy hoạch đô thị và nông thôn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: quochoi.vn.

Dự thảo Luật đã phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định theo Điều 5 của dự thảo Luật. Nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phận ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi.. theo quy hoạch của Luật chuyên ngành.

Liên quan đến vai trò, sự cần thiết lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Luật Quy hoạch. Theo đó, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị trong thành phố trung ương và không quy định việc đề xuất mô hình cấu trúc phát triển đô thị định hướng phát triển không gian tổng thể và từng khu vực tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, định hướng phát triển các khu chức năng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố với các khống chế về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch.

Về một số điểm khác nhau giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị của thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Có một số điểm khác nhau về khái niệm, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng, nội dung quy hoạch, vai trò, yêu cầu đối với công tác quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng, mức độ nội dung thông qua tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo. Do đó, cần thiết có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương. Việc lập quy hoạch chung này cũng bảo đảm tính kế thừa, không trùng lắp; bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật.

Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua cũng đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch của thành phố trực thuộc trung ương... Theo đó, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian; đồng thời, đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc trung ương.

Về sự cần thiết lập quy hoạch chung huyện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện là một trong nội dung của quy hoạch tỉnh; trong đó quy định phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện bao gồm việc xác định phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm của từng vùng liên huyện vùng huyện đối với quy hoạch chung huyện.

Theo đó, quy hoạch tỉnh chỉ có tính chất là xác định phạm vi, tính chất, định hướng phát triển trọng tâm về kinh tế - xã hội của huyện, làm cơ sở để lập quy hoạch chung của huyện và phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện trong quy hoạch tỉnh không bao gồm các nội dung: Dự báo xác định mục tiêu, động lực phát triển, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của quy hoạch, mô hình phát triển tổng thể của huyện, định hướng phát triển không gian các khu vực trong huyện...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục cùng với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.

Bạn đang đọc bài viết Bảo đảm bảo hiệu quả công tác quy hoạch, cần nghiên cứu đồng bộ quy hoạch đô thị và nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Xây dựng

Cùng chuyên mục

Đồng Nai quy hoạch thêm 880ha đất làm sân golf
Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn lập quy hoạch đề xuất thêm 6 vị trí phát triển sân golf với tổng diện tích đất hơn 880ha.

Tin mới