Thứ sáu, 05/07/2024 02:41 (GMT+7)

Ấn Độ và Mỹ triển khai các biện pháp khẩn cấp để giảm tử vong vì nắng nóng

MTĐT -  Thứ năm, 20/06/2024 16:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nắng nóng kéo dài với cường độ cao kéo theo nhiều phiền toái, nguy cơ đối với sức khỏe con người và gây ra tình trạng khan hiếm nước. Chính vì vậy, chính quyền và người dân Ấn Độ và Mỹ đang triển khai nhiều biện pháp đối phó với nắng nóng còn kéo dài.

Hỗ trợ điều hòa tại Mỹ

Mary Carter đã vượt qua được 40 mùa hè thiêu đốt ở Phoenix (Mỹ), nhưng bà vẫn thấy tê liệt bởi nắng nóng khi máy điều hòa trong chiếc xe kéo nhỏ ngừng hoạt động. Bà Carter (73 tuổi) đã ở trong chiếc xe kéo dài 2,1 m suốt một tháng mùa hè năm ngoái khi nhiệt độ lên tới 46,1 độ C, thậm chí cao hơn tại Arizona.

Cuối cùng, bà được giúp đỡ bởi một chương trình của hạt Maricopa, bang Arizona hỗ trợ tài chính về sửa chữa và các thiết bị điều hòa không khí cho cư dân có thu nhập thấp. Bà Carter chia sẻ: “Không có điều hòa, bạn không thể sống ở thị trấn này”.

Chương trình này của hạt Maricopa đã giúp đỡ khoảng 700 người kể từ năm 2021. Những cư dân sống trong hạt và đáp ứng một số yêu cầu nhất định về thu nhập còn có thể nộp đơn xin trợ giúp về chi phí sửa chữa nhà. Chương trình của hạt Maricopa là một trong những phương pháp các thành phố trên khắp nước Mỹ áp dụng để chống lại cái nóng cực độ, với các chuyên gia y tế cảnh báo số ca tử vong liên quan đến nhiệt gia tăng.

Năm 2023, có 645 người chết vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ ở hạt Maricopa. Giới chức địa phương cho biết nhiều trong số các trường hợp này là những người vô gia cư hoặc có thu nhập thấp. Năm 2013, có 76 trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt được ghi nhận. Mười năm sau, 645 ca tử vong tương đương mức tăng khủng khiếp 784%.

Bắt đầu từ mùa hè năm nay, sở cứu hỏa Phoenix sẽ ngâm các nạn nhân sốc nhiệt trong nước đá khi trên đường đến bệnh viện. Theo đội trưởng đội cứu hỏa John Prato, kỹ thuật y tế này, được gọi là ngâm trong nước lạnh, vốn khá quen thuộc với các vận động viên marathon và quân nhân. Gần đây, kỹ thuật này cũng được các bệnh viện tại Phoenix áp dụng như một quy trình bắt buộc.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. 

Phòng khám sốc nhiệt tại Ấn Độ

Ấn Độ đang trải qua những ngày nắng nóng kéo dài từ cuối tháng 5. Nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt là tại các đô thị luôn vượt mốc 40 độ C, có những nơi trên 45 độ C.

Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ đã ra nhiều khuyến cáo về thời tiết và hướng dẫn xử lý về y tế trong trường hợp gặp sốc nhiệt, say nắng để phổ biến tới người dân. Bộ Y tế Ấn Độ cũng yêu cầu các bệnh viện cần trang bị ngay các túi trườm nước đá, glucose và nước điện giải để có thể cấp cứu cho các trường hợp bị say nắng ngay lập tức.

Trong khi đó, để đối phó với nguy cơ say nắng, sốc nhiệt ở ngoài trời trong những ngày này, người dân Ấn Độ cũng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Tại thành phố Ahmedabad, bang miền Tây Gujarat, một trong những bang đang phải chịu nắng nóng gay gắt, chính quyền ở đây đang sử dụng một biện pháp đơn giản là lắp đặt và vận hành các dàn phun sương và nước trên đường phố, nhất là tại các ngã tư đèn đỏ. Cách làm này được cho là có hiệu quả trong bối cảnh thành phố này phải trải qua đỉnh điểm nhiệt độ là 43 độ C trong tuần này. Người dân địa phương cũng được khuyến khích làm mát khu vực xung quanh nhà bằng cách phun nước ra hè phố.

Ông Abdul Wakar Abdul Khelji, một chủ cửa hiệu sửa xe máy tại Ahmedabad mấy ngày nay thường phun nước vào những người lái xe ô tô đi ngang qua. Ông cho biết, làm việc này một cách tự nguyện để ngăn mọi người ngất xỉu vì nắng nóng.

“Hễ trời nóng là tôi mở nước và bắt đầu phun. Nếu nhiệt độ từ 40 độ C trở lên, tôi bắt đầu phun nước. Tôi xịt đường và bất cứ ai đi qua để không ai bị ngất vì nắng nóng, đó là việc làm tình nguyện của tôi”, ông Abdul Wakar Abdul Khelji nói.

Hôm 9/5, bang miền Nam Tamil Nadu đã yêu cầu các trường học tại bang này không tổ chức các lớp học thêm, chương trình ngoại khóa trong kỳ nghỉ hè năm nay để bảo vệ học sinh khỏi tác động của nắng nóng. Chính quyền bang này yêu cầu thực hiện nghiêm trong toàn bộ hệ thống giáo dục để đảm bảo không có trường hợp sốc nhiệt, say nắng nào xảy ra vì tới trường. Quan chức chính quyền bang này cho biết, nhiệt độ tại một số khu vực của bang Tamil Nadu có thể vượt quá ngưỡng 40 độ C cho tới tận ngày 16/5.

Tại một trong những bệnh viện lớn nhất ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, bác sĩ Ajay Chauhan cho biết anh chưa bao giờ chứng kiến điều gì như thế này trước đây. “Đây là đợt nắng nóng chưa từng có. Trong 13 năm làm việc ở đây, tôi chưa từng ký giấy chứng tử vì say nắng. Năm nay, tôi đã ký một số trường hợp”, Ajay Chauhan tại Bệnh viện Ram Manohar Lohia (RMLH) cho biết.

New Delhi đang quay cuồng dưới đợt nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ hàng ngày vượt qua ngưỡng 40 độ C kể từ tháng 5, thậm chí đạt đỉnh gần 50 độ C. Độ ẩm và gió nóng làm tăng oi bức, cộng thêm tình trạng thiếu nước và mất điện do nhu cầu tăng cao khiến nhiều người tử vong. Truyền thông địa phương cho biết đã có 20 trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến nhiệt.

Sốc nhiệt được xác định bằng ba dấu hiệu chính: tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao, nhiệt độ cơ thể từ 40,5 độ C trở lên và những thay đổi về tinh thần như lú lẫn hoặc suy giảm ý thức.

Sốc nhiệt cũng là kẻ giết người thầm lặng và nạn nhân có thể bắt đầu đổ bệnh vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia Ấn Độ gọi sốc nhiệt là tình trạng “đe dọa tính mạng” với tỷ lệ tử vong là 40-64%.

Kể từ khi bệnh viện RMLH mở phòng khám sốc nhiệt vào cuối tháng 5, đã có 7 người đã chết vì sốc nhiệt và hơn 40 người phải điều trị các bệnh liên quan đến nhiệt. Phần lớn là nam giới làm việc ngoài trời và trong các nhà máy nhỏ, không được kiểm soát với điều kiện tồi tàn.

Vài ngày trước, một người đàn ông được đưa vào phòng khám khi nhiệt độ cơ thể tăng vọt lên 42 độ C. Ở nhiệt độ này, cơ thể con người bắt đầu ngừng hoạt động, các tế bào yếu đi và có nguy cơ suy nội tạng. Tại phòng khám, các bác sĩ nhúng bệnh nhân vào bồn nước lạnh, dung tích 250 lít, nhiệt độ từ 0 đến 5 độ C. Bệnh nhân mất khoảng 25 phút để hạ nhiệt và bắt đầu hồi phục trước khi được chuyển về phòng điều trị tiếp theo.

“Làm mát sớm sẽ cứu được mạng sống. Mỗi giây đều có giá trị”, bác sĩ Chauhan nói. Chậm trễ có thể gây tử vong hoặc khiến bệnh nhân tổn thương thận và gan.

Hơn 6.400 khu ổ chuột của New Delhi, nơi sinh sống của hơn một triệu hộ gia đình, không được làm mát đầy đủ. Nam giới đổ bệnh khi làm việc ngoài trời; phụ nữ bị ốm sau khi ở trong bếp trong thời gian dài với bếp nấu truyền thống.

Không gian xanh tại New Delhi cũng khan hiếm. Vào cao điểm của mùa hè, thành phố biến thành một lò thiêu, bị mắc kẹt giữa cái nóng gay gắt từ trên cao và mặt đất thiêu đốt bên dưới.

Bảo My (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ và Mỹ triển khai các biện pháp khẩn cấp để giảm tử vong vì nắng nóng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang có xu hướng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp; số lượng vật nuôi phải tiêu hủy bởi dịch bệnh ngày càng lớn, ảnh hưởng hộ chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm.

Tin mới

Thương hiệu đồng hành