Thứ tư, 18/09/2024 13:44 (GMT+7)

7 định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái

MTĐT -  Thứ ba, 27/08/2024 09:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ 4 khu công nghiệp (KCN) triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái cách đây chục năm, đến nay hàng chục KCN đã, đang nỗ lực chuyển đổi sang mô hình này.

KCN sinh thái - Tiêu chí lựa chọn của doanh nghiệp FDI

Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế (KKT), Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha; trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa…), đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam đã triển khai thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ KH&ĐT phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP).

Các hoạt động thí điểm thực hiện KCN sinh thái đã đạt được kết quả tích cực. Sau hơn 4 năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm (KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ), các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do dự án đề xuất đã giúp 72 DN tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, 140 TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm..

7 định hướng phát triển KCN sinh thái
Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) là Nhà máy xử lý nước thải đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đáp ứng về công năng kỹ thuật và được bài trí theo Công viên vườn Nhật (ảnh: Thanh Thanh)

Từ năm 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế KH&ĐT tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương: Hải Phòng, Đồng Nai và TP.HCM.

Tính đến hết tháng 5/2024, đã có 90 DN được hỗ trợ với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 4 KCN (Hiệp Phước-TP.HCM; Amata-Đồng Nai; Đình Vũ-Hải Phòng; và Hoà Khánh-Đà Nẵng), trong đó 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các DN; đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 3 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, hiện Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ việc xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương; thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số KCN tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên Huế; thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong các KCN để xây dựng KCN sinh thái theo mô hình của Hàn Quốc; tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với Phái đoàn liên minh Châu Âu (EU), tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Việt Nam của Hà Lan (IDH),... để triển khai các hoạt động hỗ trợ DN trong các KCN thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của chuỗi ngành hàng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, DN đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam…

"Có thể nói, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các doanh nghiệp FDI với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững…", đại diện Vụ Quản lý các KKT nhận định.

7 định hướng phát triển KCN sinh thái
An Phát Holdings (KCN An Phát- Hải Dương) là Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. (ảnh: Thanh Thanh)

Phát triển KCN gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn

Theo đại diện Vụ quản lý các KKT, phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của DN, giúp DN xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các DN Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới…", bà Vương thị Minh Hiếu khẳng định, đồng thời nhấn mạnh trọng tâm.

Thứ nhất, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng "Thung lũng Sillicon Việt Nam".

Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các DN công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.

Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban Quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.

Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: Cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic); Tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

7 định hướng phát triển KCN sinh thái
KCN Deep C (Hải Phòng) đang không ngừng nỗ lực để trở thành KCN sinh thái đầu tiên tại Việt Nam (ảnh: Thanh Thanh)

"Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước hơn 35 năm qua, có thể khẳng định mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình KCN, KKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&ĐT sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới…"- Đại diện Vụ Quản lý các KKT cho biết thêm.

Bạn đang đọc bài viết 7 định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

thanh thanh/nhadautu.vn

Cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Xu hướng mới trong phát triển các Khu công nghiệp
Bắc Ninh đang định hướng phát triển KCN theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng,...

Tin mới

Hà Tĩnh: Công điện khẩn việc chủ động ứng phó với Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn QG, áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 đến 48 giờ tới. Bão có thể ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền khu vực Trung Bộ, Hà Tĩnh nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp.
VinFast mở bán VF 3 tại Philippines
Ngày 17/09/2024 – Tiếp nối thành công vang dội tại Việt Nam, VinFast Auto chính thức nhận đặt cọc xe VF 3 tại Philippines. Đây là lần đầu tiên VinFast mở bán mẫu mini-SUV điện thời thượng này tại một thị trường quốc tế.