Thứ sáu, 19/04/2024 09:58 (GMT+7)

Công ty Lâm Gia góp phần bức tử kênh Rạch Cầu Sa

L.Tài-P.Hải-Q.Đăng -  Thứ ba, 12/12/2017 08:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước thải công nghiệp, khói bụi, thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng và cả ý thức của người dân sống dọc hai bên bờ kênh Rạch Cầu Sa đã biến nó thành một dòng kênh chết.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là các doanh nghiệp đang hoạt động trong Cụm công nghiệp Quang Trung (CCNQT) đã góp phần không nhỏ để bức tử dòng kênh, mà Công ty CP SX – TM XNK Lâm Gia chính là một trong các doanh nghiệp mà chúng tôi đã có bài viết phản ánh trong số báo trước.

Quy hoạch kiểu chắp vá?

Năm 2000, UBND TP.HCM đã đồng ý chủ trương thành lập CCNQT với quy mô 20 hecta để di dời một số cơ sở sản xuất ở khu Công viên Phần mềm Quang Trung về đây. Sau khi được sự chấp thuận của UBND Thành phố, UBND quận 12 đã làm việc với các bên liên quan để lên kế hoạch xây dựng một CCN bài bản, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của quận 12 cũng như TP.HCM.

Rác thải phủ kín mặt nước kênh Rạch Cầu Sa

Tuy nhiên, sau gần 18 năm tồn tại, CCNQT đang là ‘địa chỉ’ gây bức xúc trong dư luận và cả người dân địa phương. Để hình thành một CCN thì vấn đề cơ sở hạ tầng luôn được chú trọng đặc biệt. Một CCN muốn phát triển theo hướng bền vững thì phải luôn đi đôi với việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, nhưng đối với CCN QT thì lại là một hướng đi hoàn toàn trái ngược. CCNQT được thành lập dựa trên nền tảng “mạnh ai người đó làm”, các cơ sở sản xuất tự thỏa thuận đền bù đất, tự xây dựng nhà máy, tự lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải, khói bụi… mà không cần đến một quy hoạch bài bản nào. Hệ lụy của việc tự ‘phát triển’ sau gần 18 năm hoạt động là nguồn nước con kênh Rạch Cầu Sa (nằm bên cạnh CCN) bị ô nhiễm nặng nề, khói bụi được xả thải ‘tự do’, thảm thực vật xung quanh không thể phát triển và ngày càng tàn lụi.

Khói bụi, nước thải công nghiệp xả trực tiếp ra môi trường.

Theo ghi nhận của Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, hiện tại CCN đang có trên 20 nhà máy, cơ sở sản xuất đang hoạt động, ngành nghề chủ yếu là may mặc thời trang. Ngày 4/12, chúng tôi đã có cơ hội mục sở thị quy trình làm việc của Công ty CP SX – TM XNK Lâm Gia, chuyên về giặt tẩy quần áo (công ty Wash). Bên trong cơ sở sản xuất là hệ thống giặt tẩy được vận hành với hàng chục nhân  viên. Hàng trăm thùng hóa chất nằm ngổn ngang khắp nền nhà, lò đốt vải phục vụ cho việc giặt tẩy vẫn cháy rực.

Phóng viên đang ghi nhận việc xả thải của CCNQT

Trao đổi với chúng tôi về những phản ánh của người dân cũng như những hình ảnh thực tế mà phóng viên ghi lại được về việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường, ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc công ty CP SX – TM XNK Lâm Gia cho biết: “Tôi không khẳng định là hệ thống xử lý nước thải cũng như xử lý khói bụi của công ty luôn đảm bảo chất lượng. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra và cũng nhiều lần được Sở TN – MT TP.HCM kiểm tra thì có lần đạt có lần không. Đây không phải là vấn để của riêng công ty Lâm Gia mà là tình trạng chung của hơn 20 công ty tại CCN này. Vì CCN không có hệ thống xử lý tập trung, mỗi công ty tự xây dựng hệ thống nên nhiều lúc chất lượng chưa thực sự đảm bảo”. Trên thực tế đây là lời nói chống chế của ông giám đốc, vì qua quan sát và tìm hiểu trong nhiều ngày, chúng tôi biết chắc chắn rằng, công ty Lâm Gia tuy có bể xử lý nước thải nhưng đã không dùng từ lâu, toàn bộ nước có hóa chất dùng cho việc giặt tẩy công ty xả trực tiếp xuống kênh. Ông giám đốc chỉ nói đúng một điều, đó là không chỉ công ty Lâm gia mà nhiều công ty khác trong CCNQT cũng làm như vậy, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường một cách trực tiếp. Và cũng theo quan sát, chúng tôi thấy rằng, các bể xử lý nước thải ở đây chỉ xây dựng theo kiểu đối phó, hoàn toàn không đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên Môi trường, có mà cũng như không (!)

Nước thải công nghiệp vẫn được xả thải trực tiếp ra môi trường

Ngày 6/12, chúng tôi tiếp tục có mặt CCNQT. Tại thời điểm đó, nhiều cơ sở sản xuất vẫn xả vô vàn những làn khói bụi đen kịt lên bầu trời. Nước thải công nghiệp vẫn được xả thải trực tiếp ra dòng kênh Rạch Cầu Sa. “Chiều tối là khoảng thời gian CCN xả thải khói bụi nhiều nhất, có lúc khói bụi xả ra đen cả một khoảng trời. Nước ở dòng kênh thì hôi không chịu được, mỗi khi có triều cường là màu nước đen kịt dâng lên tràn ngập cả một khu. Cây cỏ còn không sống được thì nói chi đến con người” - Anh Hùng, một người dân làm nghề trồng rau gần đó cho biết.

Thảm thực vật xung quanh con kênh đang dần héo úa

Việc xả khói bụi, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý một cách trực tiếp ra môi trường ở CCN Quang Trung có độc hại hay không? Chúng có làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thảm thực vật xung quanh đó hay không? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan có chức năng TP.HCM trả lời.

Trong bài viết sau chúng tôi sẽ đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp của quận 12 cũng như việc làm ngơ của chính quyền quận, của cảnh sát môi trường trong việc để các công ty trong CCNQT bức tử dòng kênh, hủy hoại môi trường sống.

Những cột khói đen được xả ra từ CCN Quang Trung

Bạn đang đọc bài viết Công ty Lâm Gia góp phần bức tử kênh Rạch Cầu Sa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?