Thứ tư, 24/04/2024 02:38 (GMT+7)

Chung cư lấn chiếm vỉa hè “vô tội vạ”, chính quyền ở đâu?

Ngọc Anh -  Thứ bảy, 10/03/2018 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vấn đề chung cư xây dựng ồ ạt, dẫn đến tình trạng quây tôn, lấn chiếm vỉa hè, buộc người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường đang gây "nhức nhối" trong dư luận.

“Đi lên vỉa hè hay đi xuống lòng đường thì đằng nào cũng chết!”

Tuyến đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Ngân, Trần Duy Hưng... có khoảng vài chục hạng mục công trình chung cư đang được xây dựng. Đáng chú ý nhất là tuyến đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương, Ngụy Như Kon Tum với sự xuất hiện đồng loạt của rất nhiều dự án chung cư, nhà liền kề san sát nhau. 

Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình Công cộng và Nhà ở liền kề chỉ “chìa ra” đúng 3 hàng gạch dành cho người đi bộ.

Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình Công cộng và Nhà ở liền kề thuộc dự án mở rộng làng sinh viên Hacinco tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, nằm tại ngã tư Nguyễn Tuân và Ngụy Như Kon Tum là một ví dụ điển hình.

Điều đáng nói ở đây là toàn bộ dự án nằm ngoài mặt đường đã lấn chiếm hầu hết vỉa hè dành cho người đi bộ, chỉ “chìa ra” đúng 3 hàng gạch, nghĩa là khoảng 1/3 diện tích vỉa hè còn sót lại.

Trò chuyện với PV bà Nguyễn Thị Thọ, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội bức xúc nói: “Xây dựng mà cứ lấn đường như thế này thì người đi bộ đi vào đâu? Đi xuống lòng đường thì sợ tai nạn giao thông, thế mà đi lên vỉa hè thì lại sợ nhỡ cái gì nó rơi vào đầu. Đi lên hay đi xuống đằng nào cũng chết, mỗi lần đi qua đây cứ nơm nớp lo sợ”.

Trong khi đó, chính địa điểm này lại là nơi đón trả khách của các tuyến xe bus số: 05, 29, 44, 60, 105. Vì khoảng cách vỉa hè bị thu hẹp, buộc xe buýt phải trả khách ngay tại lòng đường. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính hành khách đi xe bus mà còn có tác động tiêu cực dẫn đến tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông.

Bạn Đinh Thị Hoàng Anh – sinh viên trường Cao đẳng Hải Dương (cơ sở Trung Kính) lo sợ sau mỗi lần đón xe bus: “Khi khoảng cách vỉa hè bị thu hẹp lại chúng em đi lại khó khăn hơn, phải đi xuống lòng đường, mà mỗi lần đi chỉ sợ ở trên có gì đó rơi trúng đầu thôi”.

Bạn Kim Ngọc Hưng – sinh viên Đại học Quốc gia chia sẻ: “Vỉa hè bé, cây xanh lại bị chặt hết, cho nên mình đứng đợi xe bus rất nắng. Lúc trời mưa chỗ này rất bẩn, hôm nào trời nắng thì công trình này rất bụi khiến mình cảm thấy vô cùng khó chịu”.

Vài năm nữa chỉ có cách “bay” về nhà...

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, trục đường Nguyễn Tuân “cõng” tới 25 tòa nhà cao tầng, trong đó có hàng chục chung cư, văn phòng đã đi vào sử dụng, còn lại các công trình khác đang trong quá trình thi công và hoàn thiện. 

Chỉ kéo dài 1,1km, đường Nguyễn Tuân "cõng" tới 25 tòa nhà cao tầng san sát nhau.

Đồng quan điểm, bà Mai- một người dân sống tại đây cũng tỏ ra vô cùng quan ngại: “Tôi đã ở đây hơn chục năm, thực tế hàng ngày tôi đi qua đây đi 4 lần, nhưng nếu vỉa hè nhỏ như này thì chúng tôi đi kiểu gì đây?

Chúng tôi sợ rằng đi dưới lòng đường bị ô tô, xe máy quệt vào, còn khi đi trên vỉa hè lại sợ tường đổ vào người. Vì vậy tôi đề nghị nhà nước có quy định rõ ràng, trả lại vỉa hè cho người đị bộ”.

Thực tế cho thấy chung cư xây đến đâu thì toàn bộ vỉa hè dành cho người đi bộ dọc đường Nguyễn Tuân đều bị lấn chiếm đến đó. Đơn cử như dự án tổ hợp Nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ Thống Nhất Complex của chủ đầu tư Công ty TNHH Thống Nhất – Bắc Việt lấn chiếm nửa già vỉa hè giành cho người đi bộ. Lật toàn bộ gạch lát vỉa gây mất mĩ quan đô thị.

Dự án chung cư hạng sang TNR Gold Season, số 47, Nguyễn Tuân phá vỡ toàn bộ mặt bằng đá granite lát hè, bó vỉa thay thế bằng việc đổ bê tông tạm bợ. Chiếm dụng toàn bộ vỉa hè làm nơi đỗ xe máy, ô tô sai quy định.

Nói về thực trạng chung cư mọc lên như nấm trên đường Nguyễn Tuân, bác Mai chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của hàng loạt chung cư như thế này, thì chỉ khoảng vài năm nữa thôi các con của tôi chỉ có còn cách “bay” về nhà với quãng đường hơn 1 cây số”. 

Phương án "bay về nhà" của bác Mai không còn là dự đoán, khi các tòa nhà cao tầng "đua nhau" mọc lên như nấm trên tuyến đường Nguyễn Tuân này.

Tính trung bình sức chứa của một chung cư khoảng 4500 – 5000 cư dân sinh sống (1400- 1600 căn hộ). Như vậy, vài năm nữa 25 chung cư “sừng sững” xuất hiện trên tuyến phố chưa đầy 1,1 km thì cuộc sống của người dân sẽ còn bị đảo lộn như thế nào?

Chưa kể đến cơ sở hạ tầng trên tuyến đường này đang xuống cấp nghiêm trọng, lòng đường bị thu hẹp. Tắc đường sẽ trở thành “vấn nạn”, hồi chuông về sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục sẽ còn rung lên từng hồi “thảm thiết”!

Rõ ràng, việc xây dựng ồ ạt, lạm dụng và lấn chiếm vỉa hè “vô tội vạ” đang “bóp nghẹt” con phố Nguyễn Tuân đến thê thảm. Trong khi đó vấn đề này đã xuất hiện khá lâu, nhưng dường như phía chính quyền vẫn chưa có động thái nào bảo vệ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Theo kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyền phố trên địa bàn một số quận thành phố Hà Nội của UBND Thành phố Hà Nội: Ngày 22/4/2016, UBND Thành phố ban hành quyết định số 2340/UBND-XDGT về thiết kế hạ tầng ký thuật đảm bảo trật tự văn minh đô thị, trong đó chỉ đạo: “Thiết kế đồng bộ hào kỹ thuật hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực, ... Vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50- 70 năm...”

Rà soát các dự án đầu tư xây dựng công trình có hạng mục hè đường (bao gồm cả các công trình thuộc dự án đã phê duyệt): có ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan và văn minh đô thị; được xây dựng ở các khu vực quan trọng; xây dựng các tuyến đường chính trong đô thị để triển khai áp dụng.

Đối với các dự án đã phê duyệt dự án, thiết kế nhưng chưa thi công thì phải điều chỉnh lại theo nội dung chỉ đạo trên (không đầu tư dàn trải và chất lượng thấp). Vẫn còn tồn tại trong việc thi công lát đá vỉa hè chưa đảm bảo mỹ quan đô thị và lý thuật theo quy định. Trách nhiệm những tồn tại trên thuộc ban QLDA Đầu tư xây dựng các quận, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công có liên quan mà trực tiếp là các cán bộ Ban QLDA được giao theo dõi công trình, cán bộ tư vấn giám sát và chủ nhiệm thi công công trình. Đồng thời chưa quản lý các tuyến phố lát đá sau khi đưa vào sử dụng.

Trách nhiệm những tồn tại trên trước hết thuộc Trưởng phòng Quản lý đô thị các quận.

Một vài hình ảnh khác PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận trực tiếp: 

Các dự án quây tôn, phá vỡ cấu trúc vỉa hè
Trên đường Hoàng Minh Giám đã có 6 tòa nhà "sừng sững" mọc lên.
Dự án TNR Hòa Bình, số 47, Nguyễn Tuân chiếm dụng công khai vỉa hè dành cho người đi bộ thành nơi để xe.

Khi vỉa hè bị đào xới "vô tội vạ" buộc người đi bộ phải xuống lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại nạn. Đây là hình ảnh thực tế của dự án Thống Nhất Comple

Toàn bộ vỉa hè đã bị lấn chiếm, không chừa một cm nào cho người đi bộ tại dự án Thống Nhất Complex.

Xe đổ rác phải nép chặt vào những đoạn quây tôn của dự án Thống Nhất Complex.

Ngoài việc "thỏa hiệp" người dân không còn cách nào khác khi đi qua tuyến đường này.
Người đi bộ càng nguy hiểm hơn khi mật độ giao thông ngày càng cao trên đoạn đường Nguyễn Tuân.

Và vỉa hè đang "bẫy" người đi đường? 

Tình trạng vỉa hè xung quanh các dự án xuống cấp nghiêm trọng, nhưng dường như phía chính quyền vẫn chưa lên tiếng?

Và những viên gạch lát nền này lại có một công dụng khác?
Gạch lát để làm chỗ ngồi cho các quán hàng rong...
Và nhiều dự án khác phá tung toàn bộ vỉa hè dành cho người đi bộ.

Xung quanh dự án Vinhomes D'capitale Trần Duy Hưng, toàn bộ vỉa hè biến thành một đống "nham nhở".

Bạn đang đọc bài viết Chung cư lấn chiếm vỉa hè “vô tội vạ”, chính quyền ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới