Thứ tư, 17/04/2024 05:19 (GMT+7)

Chuyện về cụ ông gần 30 năm tự nguyện dọn rác ở hồ B52

Văn Bình -  Thứ hai, 28/05/2018 19:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần 30 năm nay, người dân sống tại phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) không còn xa lạ với hình ảnh một ông cụ râu tóc bạc phơ hàng ngày vớt rác xung quanh hồ Hữu Tiệp hay còn gọi là hồ B52.

Gần 30 năm làm công ích

Men theo con đường nhỏ đến ngõ 55 Hoàng Hoa Thám nằm cạnh hồ Hữu Tiệp (hay còn gọi là hồ B52), chúng tôi hỏi thăm về ông Luyện. Thật bất ngờ, chỉ cần nghe tên ông là cả người già lẫn trẻ nhỏ ở đây đều biết đến. Người dân còn quen gọi ông với cái tên thân mật “ông Luyện rác” hay “ông Luyện hồ B52”.

Đó là ông Đỗ Sáng Luyện (trú tại Ngọc Hà, Đống Đa, Hà Nội) "nổi tiếng" với những hành động công ích gần 30 năm nay. Từ năm 1990 ông được bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố, kể từ đó người dân Ngọc Hà không còn xa lạ với hình ảnh ông cụ dáng người nhỏ nhắn, một tay cầm vợt, một tay cầm chổi ngày ngày dọn sạch không gian sống quanh hồ Hữu Tiệp - nơi lưu giữ xác máy bay B52 đã bị quân dân ta bắn rơi năm 1972.

Ông Đỗ Sáng Luyện gần 30 năm dọn rác tự nguyện cho khu phố.

Dù không còn là Tổ trưởng tổ dân phố từ năm 2004 và nay tuổi đã ngoài 80, nhưng ông Luyện vẫn hàng ngày đều đặn 3 - 4 lần cầm "đồ nghề" ra bờ hồ vớt rác, quét rác. Chiếc vợt mà ông dùng để vớt rác được chế từ tấm lưới đơn giản, dài chừng 6m. Từng bọc nilon, cọng rau, lá cây, chai lọ trên mặt hồ đều được ông cụ ngoài 80 tuổi vớt sạch sẽ, gom lại gọn gàng. Thay vì tập thể dục, ông coi việc dọn dẹp đường phố là cách để bản thân lao động nhiều hơn.

Ông tâm huyết với công việc như thế bởi lẽ đây là nơi sinh ra và lớn lên của mình, cũng là nơi ông chứng kiến sự kiện lịch sử biến hồ Hữu Tiệp thành di tích.

Tôi còn nhớ như in, hồi 23 giờ 05 phút, ngày 27/12/1972, quân Mỹ đem pháo đài bay B52 đến ném bom Hà Nội" - chỉ tay lên bầu trời, ông miêu tả - "Đây là chiếc máy bay B52 cuối cùng tới Hà Nội, nó bay từ góc trời bên kia qua đây, chưa kịp ném bom thì đã bị quân và dân ta bắn rơi. Một bộ phận máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp và nằm lại đây, vì thế nơi này trở thành hồ nước duy nhất của Thủ đô còn lưu giữ xác máy bay". - vừa gặp chúng tôi, ông Luyện đã mở lời bằng câu chuyện tái hiện lại trang sử hào hùng của dân tộc.

Xác máy bay B52 bị quân và dân ta bắn rơi năm 1972.

Đúng như ông nói, hồ Hữu Tiệp hay còn gọi là “hồ B52” đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là địa điểm hồ duy nhất còn lưu giữ xác máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội cho đến hôm nay.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, chưa ngày nào ông quên nhiệm vụ mà bản thân mình đề ra. Có gì dọn nấy, mong muốn của ông là luôn giữ được nếp sống văn minh cho khu phố và tạo lên cảnh quan trong lành khu vực hồ di tích. Nhất là hằng ngày, lượng du khách nước ngoài đến tham quan hồ rất đông càng khiến người thanh niên xung phong năm nào có ý thức trách nhiệm hơn với cộng đồng.

"Việc dọn dẹp hay vớt rác là việc nhỏ, trước hết, tôi cứ coi việc này thay cho thể dục hàng ngày, vừa rèn luyện sức khỏe lại vừa mang lại không gian sống sạch sẽ cho mọi người" - ông Luyện chia sẻ.

Du khách nước ngoài tới tham quan hồ B52 rất đông.

Hỏi ông có bao giờ xin hỗ trợ kinh phí để làm công tác vệ sinh môi trường, ông lắc đầu rồi nói mình làm việc này không phải vì tiền. Hơn 20 năm làm công việc “vác tù và hàng tổng”, ông chỉ muốn làm đẹp cho khu phố và đặc biệt gìn giữ di tích lịch sử hồ B52.

Trên gương mặt khắc khổ ấy luôn nở nụ cười hãnh diện khi nói về công việc tự nguyện của mình.

Tâm sự với chúng tôi, ông Luyện kể về kỷ niệm “sợ” nhất từ khi làm công tác vệ sinh đến giờ, đó là khi vớt một con chó đã chết từ hồ lên: “Có người vô ý thức bỏ con chó đã chết vào bao tải rồi vứt thẳng xuống hồ, vừa thối vừa nặng, ruồi nhặng bu đầy. Vợt của tôi tự chế, không thể vớt được, tôi phải làm một cái móc kéo ra chỗ cầu ao rồi lôi lên đem đi bỏ ở bãi rác”.

Nhưng ông cũng rất vui vì mình còn đóng góp được cho xã hội, được bà con xung quanh quý mến, kính trọng: "Bà con nhìn thấy tôi là chào hỏi vui vẻ lắm, họ chỉ mong tôi được mạnh khỏe để giúp ích cho đời như bây giờ" - ông tươi cười.

Thật vậy, chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải (số nhà 38, ngõ 55, Hoàng Hoa Thám) cho hay: "Ông Luyện là người công dân có trách nhiệm thực sự. Tôi đã làm việc với ông ấy 30 năm nay, tất cả việc làng việc nước ông ấy đều giơ vai ra làm hết, không bao giờ đòi hỏi công xá, thù lao gì. Giờ có tuổi rồi mà vẫn giúp ích cho bà con, làm sạch đường phố. Ông Luyện quả là một người hiếm có!".

Bà Nguyễn Thị Hải (số nhà 38, ngõ 55, Hoàng Hoa Thám).

Tấm gương của con trẻ

Ngay gần khu vực hồ Hữu Tiệp là trường tiểu học Ngọc Hà, ông Luyện tâm sự thêm: “Tôi vớt rác cũng là để làm gương cho con trẻ. Các cháu đi học thấy môi trường sạch đẹp, thấy ông cụ gần 80 tuổi vớt rác, thì chúng sẽ có ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường".

"Tôi cũng góp ý với nhà trường về việc tuyên truyền cho các cháu bảo vệ môi trường di tích, giữ gìn minh chứng của lịch sử để người Ngọc Hà có thể tự hào về di tích lịch sử này" - ông mong mỏi.

Ông Luyện là tấm gương sáng cho con trẻ.

Việc làm của ông Luyện được tất cả người dân ghi nhận và đồng cảm. Từ khi thấy ông đã cao tuổi mà ngày ngày nhọc công vớt rác, mọi người cũng bảo nhau có ý thức hơn. Ông N.V Hùng (số nhà 46, ngõ 55, Hoàng Hoa Thám) cũng tâm sự: "Rất mong ông ấy có nhiều sức khỏe như vậy. Ông Luyện là tấm gương sáng cho tất cả mọi người, nhất là các cháu nhỏ học tập".

Ông N.V Hùng (số nhà 46, ngõ 55, Hoàng Hoa Thám).

Nhờ sự cần mẫn của ông Luyện, không khí hồ Hữu Tiệp đã trở nên trong lành, mát mẻ với hàng cây xanh phủ bóng ven hồ. Người dân nơi đây có thể tự hào “lá phổi xanh” của làng hoa Ngọc Hà đã được hồi sinh. Hành động của ông giản dị nhưng có ý nghĩa lớn trong xã hội hiện nay.

Ông chính là bông hoa đẹp tô điểm cho vườn hoa "Người tốt, việc tốt".

Bạn đang đọc bài viết Chuyện về cụ ông gần 30 năm tự nguyện dọn rác ở hồ B52. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.